Cựu Chủ tịch Thanh Hóa bị khởi tố, có thể đối mặt khung hình phạt nào?

Quang Trung Thứ hai, ngày 23/10/2023 18:00 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và hai cán bộ dưới quyền bị cáo buộc vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát hơn 55 tỷ đồng trong dự án Hạc Thành Tower.
Bình luận 0

Khởi tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố 3 bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các ông: Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Cù Đình Hiền, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Nam, cựu Phó Trưởng phòng Kinh tế tài chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật hình sự.

Cựu Chủ tịch Thanh Hóa bị khởi tố, có thể đối mặt khung hình phạt nào? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Xứng từng là Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020. Ảnh: TL

Sai phạm của 3 bị can nói trên diễn ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty cổ phần Sông Mã tại dự án Hạc Thành Tower.

Theo đó, vào thời điểm năm 2013, ông Nguyễn Đình Xứng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, được phân công phụ trách giá cả. Ngày 29/01/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 389/QĐ-UBND giao cho Công ty TNHH MTV Sông Mã 2.958,7m2 đất tại địa chỉ số 3 đường Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa để thực hiện dự án Hạc Thành Tower.

Đến ngày 23/12/2013, ông Nguyễn Đình Xứng ký Quyết định số 4562/QĐ-UBND phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty cổ phần Sông Mã tại dự án Hạc Thành Tower với đơn giá 21 triệu đồng/m2 (mức giá này được xác định từ năm 2009), gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 55,8 tỷ đồng.

Tội danh cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bị khởi tố có gì đặc biệt?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đến thời điểm này, liên quan đến các sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower, đã có 8 bị can bị khởi tố để phục vụ điều tra.

Đây là vụ án lớn ở tỉnh Thanh Hóa không chỉ vì số tiền gây thất thoát lớn mà liên quan đến nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp sở và tỉnh dính vào vòng lao lý, thu hút sự chú ý của dư luận và người dân tỉnh Thanh Hóa.

Tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí mà cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa bị khởi tố được quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Người thực hiện hành vi phạm tội đối với tội danh này là người có chức vụ quyền hạn được giao quản lý tài sản nhà nước theo chế chế độ, tiêu chuẩn, định mức và trên cơ sở nguyên tắc tài chính, tuân thủ quy định pháp luật về thi hành công vụ.

Tuy nhiên, vì thiếu trách nhiệm hoặc vì vụ lợi mà người có chức vụ quyền hạn đã vi phạm quy định về tiêu chuẩn, định mức, vi phạm quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước.

Hành vi vi phạm chế độ quản lý tài sản của nhà nước gây thất thoát lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Với tài sản thất thoát lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Ông Cường cho biết, theo kết quả điều tra hiện nay cho thấy các bị can đã sử dụng giá đất từ năm 2009 để quyết định tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp ở thời điểm năm 2013, đây là sai phạm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến nhà nước bị thất thoát, thiệt hại.

Số tiền này doanh nghiệp phải nộp bổ sung để bồi thường khắc phục hậu quả cho nhà nước (nếu như dự án này vẫn được công nhận), ngoài ra các bị can, bị cáo vi phạm pháp luật gây thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước cũng phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, với số tiền gây thất thoát lãng phí hơn 50 tỷ đồng cựu lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và một số thuộc cấp có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tù.

Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Với các bị cáo là người có chức vụ quyền hạn, thông thường trong quá trình công tác sẽ có nhiều công sức đóng góp, có nhiều bằng khen, giấy khen…đây là những tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi lượng hình.

Ngoài ra hành vi thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cũng là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự đối với các bị can, bị cáo là người có chức vụ quyền hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem