Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nhận tội, xin xét xử vắng mặt, liệu có được xem xét?
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nhận tội, xin xét xử vắng mặt, căn cứ pháp luật quy định về trường hợp này
Quang Trung
Chủ nhật, ngày 24/12/2023 08:42 AM (GMT+7)
Bị phạt chung thân trong vụ chuyến bay giải cứu, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan song bất ngờ nhận tội và xin vắng mặt ở phiên phúc thẩm. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về việc này.
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nhận tội, xin xét xử vắng mặt
Như Dân Việt đã đưa tin, TAND cấp cao tại Hà Nội ngày 25/12 sẽ xét xử phúc thẩm 22 bị cáo có kháng cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu.
Bất ngờ, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã nhận tội, đồng thời tác động, nhờ người thân, bạn bè nộp thay 18,8 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả vụ án. Ông Hưng cũng viết đơn xin được xét xử vắng mặt trong phiên phúc thẩm.
Trước đó, trong suốt quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo Hưng kêu oan, cho rằng cáo buộc ông ta lừa đảo tiền chạy án là không có căn cứ. Viện kiểm sát còn chiếu video thể hiện cựu điều tra viên này nhận chiếc vali đựng 400.000 USD nhưng ông ta phản bác, cho hay bên trong chỉ là 4 chai rượu vang.
Những người đưa tiền cho ông Hưng là bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty Bluesky, khẳng định Hưng đã nhận tiền. Tuy vậy, điều tra viên này cho rằng họ vu khống mình.
Tuy nhiên, khi tuyên án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội khẳng định, đủ căn cứ xác định bị cáo Hoàng Văn Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 800.000 USD (tương đương 18,8 tỷ đồng) tiền chạy án cho bị cáo Hằng. Tòa sơ thẩm do vậy phạt Hoàng Văn Hưng án tù chung thân.
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng tiếp tục kháng cáo kêu oan nhưng trước giờ khai mạc phiên tòa lại bất ngờ nhận tội, các luật sư của ông ta thông tin.
Nhận tội, khắc phục hậu quả có phải là điều kiện để được giảm án?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm nếu có thêm tình tiết mới có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc có thêm những tình tiết có ý nghĩa được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự, tòa án cấp phúc thẩm thường sẽ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để giảm một phần hình phạt cho bị cáo.
Có những trường hợp bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, mặc dù không có tình tiết mới tại giai đoạn phúc thẩm nhưng xét tính chất mức độ hành vi phạm tội và đánh giá hậu quả xảy ra, tòa án cấp phúc thẩm cho rằng tòa án cấp sơ thẩm xét xử như vậy là quá nghiêm khắc chưa phù hợp, chưa tương xứng với tính chất mức độ hành vi nhân thân và hậu quả xảy ra, cũng có thể giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo trong giai đoạn này.
Bởi vậy, với một số bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt mặc dù không có thêm tình tiết mới, vẫn có cơ hội để tòa án xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt nếu xét thấy tòa án cấp sơ thẩm tuyên mức hình phạt như vậy là quá nghiêm khắc.
Còn trường hợp bị cáo kháng cáo kêu oan, tòa án sẽ thận trọng trong việc xem xét đánh giá chứng cứ, cân nhắc trong việc đánh giá thái độ khai báo cũng như nhận thức của bị cáo về hành vi của mình để xem xét quyết định có chấp nhận kháng cáo hay không. Thông thường nếu kháng cáo kêu oan, tòa án chỉ giải quyết có oan hay không, còn cơ hội giảm hình phạt là không cao.
Vị chuyên gia cho rằng, trong vụ án này đối với các bị cáo mà giai đoạn sơ thẩm chưa thành khẩn khai báo nhưng giai đoạn phúc thẩm thực sự thành khẩn, ăn năn hối cải cũng là một trong những tình tiết để hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt trong trường hợp xác định bị cáo có tội.
Ngoài ra, với tội phạm về tham nhũng và chức vụ, các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cũng là tình tiết quan trọng để xem xét giảm nhẹ một hình phần hình phạt ở cấp phúc thẩm.
Bởi vậy, lời khai nhận tội của bị cáo Hoàng Văn Hưng là khá bất ngờ, tuy nhiên nếu chỉ có lời nhận tội thì chưa phải là căn cứ để giảm nhẹ một phần hình phạt.
Nếu hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn kết tội bị cáo, lời khai nhận tội phải thực sự thể hiện sự thành khẩn khai báo ăn năn hối cải và là nguyên nhân tác động đến người thân của bị cáo để họ bồi thường khắc phục hậu quả thay cho bị cáo số tiền mà tòa án sơ thẩm đã quy kết là bị cáo chiếm đoạt.
Tòa án sẽ làm rõ việc thay đổi nội dung kháng cáo, có phải là tự nguyện không, nhận thức thế nào về hành vi của mình, cùng với việc thay đổi nội dung kháng cáo, bị cáo có thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải hay không mới là tình tiết có ý nghĩa trong việc xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Về vấn đề bị cáo Hoàng Văn Hưng xin xét xử vắng mặt, ông Cường thông tin, pháp luật quy định có những trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo, tuy nhiên có những trường hợp có thể triệu tập được bị cáo và hội đồng xét xử xét thấy cần thiết sẽ triệu tập bị cáo tham gia phiên tòa, mặc dù bị cáo đã có đơn xin xét xử vắng mặt.
Trong vụ án, giai đoạn xét xử sơ thẩm bị cáo Hưng kêu oan và tranh luận gay gắt với viện kiểm sát và một số bị cáo khác tại phiên tòa sơ thẩm để chứng minh mình không phạm tội.
Bởi vây, nếu bị cáo có mặt tại phiên tòa phúc thẩm, tòa án sẽ thuận lợi hơn trong việc làm rõ lý do thay đổi nội dung kháng cáo để xác định nhận thức của bị cáo, thái độ của bị cáo đối với hành vi của mình.
Tuy nhiên, bị cáo Hưng xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, việc xét xử vắng mặt có thể sẽ không làm rõ được thái độ của bị cáo và lý do bị cáo thay đổi lời khai, một số tình tiết có liên quan đến bị cáo khác cũng sẽ có thể gặp trở ngại.
Chính vì vậy mặc dù bị cáo xin xét xử vắng mặt nhưng tòa án vẫn có thể triệu tập bị cáo tham gia phiên tòa để làm rõ hành vi của các bị cáo khác cũng như làm rõ thái độ nhận thức của bị cáo tại giai đoạn phúc thẩm để xem xét có chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.