Xe vi phạm đưa về bãi tập kết bị hư hỏng, ai phải chịu trách nhiệm?
Xe vi phạm đưa về bãi tập kết bị hư hỏng, ai phải chịu trách nhiệm?
Quang Minh
Thứ bảy, ngày 23/12/2023 12:27 PM (GMT+7)
Theo luật sư, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ. Trường hợp phương tiện bị tạm giữ mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Ngọc Hoàng, quận Hoàng Mai, Hà Nội hỏi: Tôi bị lực lượng CSGT lập biên bản tạm giữ phương tiện sau khi vi phạm giao thông. 1 tháng sau, tôi ra bãi để nhận lại xe thì phát hiện thiếu một số phụ tùng của xe, xe bị hư hỏng. Vậy xin hỏi, với trường hợp này tôi có thể kiến nghị cơ quan chức năng hay không và ai sẽ bồi thường cho tôi?
Trả lời:
Luật sư Ma Văn Giang, Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay: Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính cụ thể như sau:
Trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ; Người lập biên bản tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ cho đến khi bàn giao phương tiện cho người quản lý, bảo quản.
Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ. Trường hợp phương tiện bị tạm giữ mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại Điều 10 Nghị định 138/2021/NĐ-CP cũng nêu rõ về quyền của tổ chức, cá nhân có phương tiện bị tạm giữ. Cụ thể, tổ chức, cá nhân có phương tiện bị tạm giữ có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; Kiểm tra trước khi nhận lại phương tiện bị tạm giữ khi hết thời hạn bị tạm giữ;
Yêu cầu người quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan của người quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo luật sư Giang, người có phương tiện giao thông bị tạm giữ mà khi nhận lại bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt linh kiện thì có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo, đồng thời yêu cầu cơ quan của người quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ bồi thường theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.