Tàu Trung Quốc phóng tên lửa trong một cuộc tập trận ở Biển Đông.
Đô đốc về hưu Dennis Blair, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ và chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trả lời trên Four Corners rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh.
Nhưng hai bên đều lựa chọn vị trí đối lập nhau dẫn đến việc đàm phán thỏa hiệp gần như là điều bất khả thi, ông Blair nói thêm.
Hiện nay, Biển Đông đang là một trong những điểm nóng tranh chấp chủ quyền giữa một số nước trong khu vực châu Á bao gồm đồng minh lâu đời của Mỹ là Philippines. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hầu hết 90% diện tích Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn phi lý”, không được Tòa Trọng Tài thường trực công nhận.
Cựu Đô đốc Blair gợi nhớ lại những cuộc gặp với quan chức Trung Quốc. “Tôi cho rằng thật khó để hai nước hiểu ý đồ của nhau và khó có thể đi tới thỏa hiệp", ông Blair nói.
Cựu Đô đốc Mỹ Dennis Blair.
Những bức ảnh vệ tinh chụp vào cuối tháng trước cũng đã hé lộ việc Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép và ngang nhiên cải tạo đảo thành các căn cứ quân sự.
Theo ông Blair, những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được" đối với Mỹ và tình cảnh bế tắc hiện nay có thể khiến hai nước không chấp nhận lùi bước. Trong trường hợp xảy ra xung đột, "các lực lượng Mỹ sẽ chỉ mất 10 – 15 phút để hủy diệt các tiền đồn trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Blair nhận định.
Cựu Đô đốc Mỹ kêu gọi lực lượng quốc phòng Australia tham gia tập trận chung với Mỹ trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông. "Tôi cho rằng các tàu Mỹ và Australia nên tham gia diễn tập cùng nhau trên Biển Đông bởi khi cần, hai nước sẽ điều động các lực lượng vũ trang tới hải phận và không phận quốc tế".
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop nói Mỹ chưa từng đề nghị Úc tham gia tập trận trong vùng biển xảy ra tranh chấp chủ quyền. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những điều từng làm là thực hiện quyền đi qua vùng biển và bầu trời theo quy định quốc tế”, bà Bishop nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.