Cựu lãnh đạo Petroland bỏ trốn, mức phạt sẽ tăng gấp đôi?

Đình Việt Chủ nhật, ngày 26/04/2020 15:59 PM (GMT+7)
Luật sư đã đưa ra quan điểm pháp lý xung quanh vụ ông Ngô Hồng Minh - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Petroland bỏ trốn sau khi gây thiệt hại gần 100 tỷ đồng.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 25/4, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết vừa ra quyết định truy nã bị can Ngô Hồng Minh (60 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Petroland. Ông Minh bị khởi tố điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Minh bị xác định có liên quan vụ án do Cơ quan An ninh điều tra khởi tố về cùng tội danh trên xảy ra tại Petroland.

img

Ông Ngô Hồng Minh bị khởi tố điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Minh cùng các bị can nguyên là lãnh đạo của Petroland đã có những hành vi ký hợp đồng, duyệt thanh toán nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và ký hợp đồng bán bất động sản của Petroland trái quy định pháp luật, gây thiệt hại gần 100 tỷ đồng.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, với tội danh vừa bị khởi tố, ông Ngô Hồng Minh và các đồng phạm có thể phải đối mặt với khung hình phạt từ 10 năm đến 15 năm tù.

Vị luật sư phân tích, để buộc tội được các bị can trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh bị can đã vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “làm trái công vụ” và đã “gây thiệt hại đến tài sản” cho người khác, đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đối với tội danh trên, pháp luật quy định động cơ mục đích của hành vi là động cơ cá nhân hoặc vì vụ lợi nhưng chưa chiếm đoạt tài sản, trong trường hợp bị can đã chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý sang tội danh khác hoặc xử lý thêm tội danh khác có yếu tố chiếm đoạt như: Tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản...

Còn với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hậu quả là gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức hoặc của cá nhân chứ không có yếu tố chiếm đoạt.

Hành vi cấu thành tội danh này là hành vi làm trái công vụ, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ phải chứng minh đối với bị can thì công vụ ở đây là gì, làm trái là làm như thế nào. Việc làm trái công vụ đó phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả trực tiếp là gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân. Nếu mức thiệt hại tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên, hành vi sẽ cấu thành tội phạm của tội danh này.

img

Ông Bùi Minh Chính - Chủ tịch HĐQT Petroland cũng bị bắt vào ngày 30/9/2019.

Trong trường hợp, bị can không phải là người trực tiếp làm trái công vụ để gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân nhưng bị can có vai trò chủ mưu, giúp sức, hoặc xúi giục bị can khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bị can vẫn bị xử lý về tội danh này với vai trò đồng phạm.

Khi giải quyết vụ án, tòa án sẽ xác định hành vi, vai trò của từng bị can, xác định hậu quả xảy ra để làm căn cứ xác định tội danh và quyết định hình phạt cho phù hợp.

Trả lời câu hỏi, việc bị can bỏ trốn có phải là tình tiết tăng nặng hình phạt hay không? Luật sư Cường cho biết, pháp luật quy định bị can bỏ trốn không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và khi trở về đầu thú cũng không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà chỉ có “tự thú” (khi sự việc chưa bị ai phát hiện đã trình báo sự việc cho cơ quan điều tra, tự nhận tội và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật) mới là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, việc bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả sẽ được xem là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Như vậy, việc bị can bỏ trốn, bị truy nã không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không chỉ căn cứ vào tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Như vậy, “tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” chỉ là một trong những yếu tố tác động đến loại hình phạt và mức hình phạt. Mà hình phạt chỉ được đặt ra khi bị cáo bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Pháp luật cũng quy định, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, việc bị can bỏ trốn sẽ cản trở cho hoạt động điều tra, sẽ đánh giá thái độ của bị can là chưa ăn năn, chưa thành khẩn, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Bởi vậy, nếu sau này tòa án kết tội, những bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, không thành khẩn khai báo, không thể hiện thái độ ăn năn hối cải, hình phạt cũng sẽ bị áp dụng nghiêm khắc hơn với những bị cáo khác.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem