Vì đâu hồ tiêu… “chết”?
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, những năm trước, hồ tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về sản lượng và xuất khẩu. Thế nhưng hiện nay, “gió đã đảo chiều”, nhiều quốc gia như Brazil, Malaysia, Indonesia… đang trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ngành hàng hồ tiêu Việt Nam cả về sản lượng lẫn chất lượng.
Vườn tiêu trồng theo quy trình hữu cơ tại xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: M.K
"Trong bối cảnh hiện nay, chỉ có sản xuất tiêu sạch, kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm thì mới giúp ngành hồ tiêu phát triển bền vững chứ không thể “ăn xổi” như những năm qua được nữa”.
GS-TS Phạm Tiến Dũng -
Giám đốc Trung tâm
Nông nghiệp hữu cơ
|
Năm 2015, châu Âu (nơi nhập 26% sản lượng tiêu của Việt Nam) bắt đầu siết chặt các quy định về chất lượng hồ tiêu nhập khẩu. Một số lô hàng tiêu của doanh nghiệp Việt Nam bị đối tác trả lại, mà nguyên nhân chủ yếu là do không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó một số lô hàng bị tồn dư hoạt chất Carbendazim.
Theo TS Hồ Tuyên - Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), hiện có khoảng 800 hoạt chất đang bị cấm, hoặc bị giới hạn do các nhà nhập khẩu đưa ra. Tuy nhiên, hoạt chất Carbendazim rất khó kiểm soát bởi trong quá trình sản xuất, nông dân đã lạm dụng quá nhiều, dẫn tới cây tiêu có thể không đủ thời gian để phân giải. Không ít nông dân đang vô tình “đầu độc” vườn tiêu của mình mà không biết.
Ông Nguyễn Thành Trung - chủ vườn tiêu hơn 6ha ở thôn Đăk Lư, xã Nam Đrang, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, buồn rầu chia sẻ: “Một số hộ dân bón phân cho cây hồ tiêu mà mỗi lần bón tới 5-7 lạng, trong khi nhu cầu thực tế chỉ cần 1,5 - 2 lạng/gốc đối với hồ tiêu kinh doanh. Chưa kể cũng lượng phân này, phải chia nhỏ ra bón nhiều lần cây mới hấp thụ được. Có hộ gia đình mới phun thuốc chữa bệnh được 2 - 3 ngày, thấy chưa hiệu quả họ lại chạy mua thuốc khác về phun xịt. Tiêu chết một phần cũng do bị “bội thực” phân bón, thuốc trừ sâu bệnh”.
Đẩy mạnh sản xuất an toàn sinh học
Theo chia sẻ của ông Trung, 2 năm nay gia đình ông đã chuyển sang trồng hồ tiêu hữu cơ, trước mắt là để giúp cây tiêu phát triển bền vững, sau là đảm bảo sức khỏe cho cả người tiêu dùng và gia đình mình.
“Mùa vụ năm nay, vườn tiêu giống Vĩnh Linh của nhà tôi đang bước vào thời kỳ kinh doanh năm thứ 2. Cây đang ra hoa thì xuất hiện nấm tỏa đỏ, vườn cây bị khảm lá do thiếu dinh dưỡng. Thật may tôi đã được tiếp cận đề tài ứng dụng công nghệ sinh học trong quy trình chăm sóc phục hồi cây hồ tiêu, do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ triển khai”- ông Trung chia sẻ.
Theo đó, các kỹ thuật viên của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã sử dụng các chế phẩm sinh học trị nấm, tiết chất kháng sinh ức chế nấm bệnh và bổ sung dinh dưỡng cho cây, cải thiện độ phì nhiêu của đất, làm đất tơi xốp, thoáng khí; phá bỏ môi trường khu trú của vi khuẩn và các vi sinh vật gây bệnh; tiêu diệt ấu trùng, côn trùng gây hại ẩn nấp trong đất.
Ông Trung thông tin: “Sau hơn 1 tháng áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ trên 6ha tiêu, những lá già nhiễm tảo đỏ dần được đào thải, rụng bớt, rễ tơ phát triển nhiều. Cây phục hồi màu xanh rõ rệt. Năng suất tiêu ở năm thứ 2 chuyển đổi sang quy trình hữu cơ đạt khoảng 70-80% so với những vụ trước, đổi lại, giá bán tiêu hữu cơ cao hơn nhiều”.
Cụ thể, sau khi gửi mẫu sản phẩm kiểm nghiệm đạt chuẩn hữu cơ, công ty đã thu mua hồ tiêu của gia đình ông Trung với giá gấp đôi so với giá thị trường. “Những vụ trước, mỗi vụ tôi phải đầu tư khoảng 300 triệu đồng để mua phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thì chuyển qua trồng tiêu hữu cơ, tôi chỉ đầu tư hết khoảng 250 triệu đồng” - ông Trung nói thêm.
Mặc dù hiệu quả kinh tế của mô hình canh tác hồ tiêu hữu cơ đã thấy rõ, nhưng số hộ triển khai phương pháp này chưa nhiều. Toàn tỉnh Đăk Nông hiện mới có 30 hộ ở huyện Đăk Song thực hiện canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ, trong đó mới có 5 hộ được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn châu Âu.
“Quy trình canh tác hồ tiêu hữu cơ đòi hỏi rất nghiêm ngặt. Có tới 800 chất được đưa ra phân tích, kiểm tra. Tuyệt đối không được sử dụng phân bón vô cơ. Các chỉ tiêu hóa lý trong sản phẩm sau khi phân tích chỉ được cho phép có hoặc không. Mỗi sản phẩm sau khi phân tích chỉ cần có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cho dù ở tỷ lệ thấp nhất cũng rớt ngay” - ông Trung chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Văn Bình - chủ vườn tiêu ở ấp Xá Bang, Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ, vườn tiêu cả chục ha của ông bỗng xuất hiện một số cây bị vàng lá, thối rễ và nhanh chóng lây lan sang cả vườn. Ông đang chán nản, muốn bỏ cả vườn thì được một số người khuyên dùng chế phẩm sinh học để cứu vườn tiêu.
“Tôi đã bỏ toàn bộ phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân chuồng bón cho tiêu kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học gồm vi sinh emuniv và hệ vi sinh trị nấm chữa bệnh cho vườn tiêu. Thật bất ngờ, sau hơn 3 tháng, các cây tiêu đã ra đọt mới, cây xanh trở lại, 80% vườn tiêu hồi phục” - ông Tuân nói.
Chị Nguyễn Thị Thùy - kỹ thuật viên Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ cho biết: “Chúng tôi dùng hệ vi sinh trị nấm (thành phần gồm: Trichoderma viride, Bacillus sp, Streptomyces murinus…) với công dụng ngăn tế bào gây nấm bệnh, ức chế sinh trưởng của nấm bệnh, chống nhiễm nấm, đồng thời kết hợp sử dụng một số chế phẩm sinh học ngăn ngừa côn trùng phá hoại và bổ sung dinh dưỡng cho cây”. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.