Cứu sống bé 10 tháng tuổi bị ngạt nước gần 10 phút

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 06/11/2015 13:11 PM (GMT+7)
Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa cấp cứu thành công bé trai 10 tháng tuổi bị ngã vào xô nước trong gần 10 phút. Đây là trường hợp được ví như “phép màu” vì bé hiện đang có xu hướng bình phục tốt…
Bình luận 0

Sáng 6.10, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để thông tin trường hợp bé trai 10 tháng tuổi bị ngã vào xô nước, đồng thời cũng thông tin cảnh báo đến các bậc phụ huynh nên chú ý bảo vệ trẻ tránh những trường hợp trẻ bị ngạt nước do bất cẩn của cha mẹ.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (BV Nhi Đồng 1): Lúc 11h 30 phút ngày 29.10, khoa tiếp nhận 1 bệnh nhi tên H.Đ.H.P (ngụ Q.Phú Nhuận), được chuyển lên từ Bệnh viện Q.Phú Nhuận trong tình trạng tím tái, co gồng, hôn mê. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhanh chóng cấp cứu, hút đờm và cho bé thuốc chống co giật mạnh. Sau đó, bé hết co giật nhưng vẫn hôn mê sâu và buộc phải thở ôxy…

Tuy nhiên, nhờ sự chăm sóc tích cực của các y bác sĩ, tình trạng bé P đã được cải thiện hơn. Bé đã tỉnh táo nhưng hiện tại vẫn được theo dõi chặt chẽ.

img

 Bé H.Đ.H.Phi đang có xu hướng bình phục tốt và vẫn đang được theo dõi tích cực.

Người nhà bệnh nhi H.Đ.H.Phi cho biết, ngày 29.10, bé đang ở nhà với mẹ, do bé chưa biết đi mà mới chỉ biết ngồi nên mẹ bé bỏ bé ngồi chơi 1 mình và chạy xuống bếp khoảng 10 phút. Do chỗ bé ngồi gần đó có nhà vệ sinh nên bé bò đến và ngã cắm đầu vào xô nước, 2 chân chổng lên trời.

Sau gần 10 phút, mẹ bé chạy lên thì không thấy con đâu nên hốt hoảng tìm kiếm, sau đó mới tìm thấy bé trong xô nước (gần nửa mét nước), bất động. Mẹ bé vội vàng sơ cứu nhưng lại không ấn ngực mà lại ấn bụng, sau đó la lên nhờ người giúp đỡ đưa đến BV Q.Phú Nhuận. Tại đây bé được đặt ống thở và chuyển lên BV Nhi Đồng 1.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết: Thời gian gần đây có khá nhiều ca bệnh nhi phải cấp cứu do bị ngạt nước. Đáng nói những ca này đều xảy ra do tính chủ quan của bậc cha mẹ do ỷ lại bé chưa biết đi, hoặc không trông nom trẻ thường xuyên, không quan sát trẻ mọi nơi, mọi lúc (đối với trẻ dưới 3 tuổi).

“Năm ngoái có trường hợp cha mẹ ở Củ Chi để bé 14 tháng tuổi chơi với một bé khác 3 tuổi mà không quan sát. Một lúc sau bé 3 tuổi mới nói, em đang “bơi” trong hòn non bộ thì mới tá hỏa… Cũng may sau 1 tháng cấp cứu thì bé này cũng bình phục”, bác sĩ Tiến kể.

Cũng theo bác sĩ Tiến: Trường hợp bệnh nhi H.Đ.H.Phi là một “phép màu” bởi lẽ, trẻ bị ngạt nước thì chỉ có “4 phút vàng” là cứu tốt, trường hợp này theo người nhà thì đã gần 10 phút mới được sơ cứu. Hơn nữa cách sơ cứu của người mẹ cũng không đúng.

Hiện tại, bé đã tỉnh nhưng thời gian tới, mỗi tháng, mỗi quý bé phải được kiểm tra để phòng ngừa biến chứng.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến: Khi gặp trường hợp bé ngạt nước, chúng ta trong 10 giây phải đánh giá bé có tỉnh táo hay không. Nếu bé tỉnh táo (có khóc, thở) thì lập tức làm ấm trẻ và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp bé không tỉnh táo (không thở, không tỉnh) thì phải ấn ngực, ấn tim, thổi ngạt. Cách ấn tim như sau, dùng lòng bàn tay ấn vào vị trí ngực, xương ức khoảng 30 lần, thổi ngạt và nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.

“Trường hợp ấn bụng như cách mẹ bé H.Đ.H.Phi làm khá nguy hiểm, dịch trong bụng có thể trào lên và chảy vào phổi gây những biến chứng đường phổi. Ngoài ra các biện pháp “dân gian” khác như xóc nước, lăn lu… cũng không được sử dụng vì không hiệu quả mà còn gây khó khăn cho điều trị về sau”, ông Tiến khuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem