Cựu thẩm phán Tòa Tối cao phạt tù oan ông Chấn đối mặt với khung hình phạt nào?

Xuân Lực Thứ tư, ngày 01/10/2014 19:01 PM (GMT+7)
Trước quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, cựu thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND Tối cao) của Cục Điều tra hình sự – Viện KSNDTC, PV Dân Việt đã có có cuộc trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội) để tìm hiểu về khung hình phạt các bị can phải đối mặt khi bị khởi tố điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.  
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, Cục Điều tra hình sự – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Chiêm nguyên là thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 27.7.2004. Sau khi xét xử, HĐXX do ông Chiêm làm chủ tọa đã tuyên y án chung thân với ông Chấn về tội “giết người” như bản án TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt tại phiên sơ thẩm. Quyết định của Tòa phúc thẩm khiến ông Chấn ngồi tù oan 10 năm bởi hung thủ thật sự sát hại chị Nguyễn Thị Hoan là Lý Nguyễn Chung.

img

Bản án phúc thẩm đã tuyên ông Chấn tội giết người và phạt tù chung thân do ông Phạm Tuấn Chiêm là thẩm phán, chủ toạ phiên xét xử ngày 27.7.2004.

Trước quyết định của Cục Điều tra hình sự – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, PV Dân Việt đã có có cuộc trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội) để tìm hiểu về khung hình phạt các bị can phải đối mặt khi bị khởi tố điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

PV: Luật sư có thể cho biết, các bị can bị cáo buộc phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ đối mặt khung hình phạt nào?

- Luật sư Trần Tuấn Anh: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm đã được quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985. Tuy nhiên, do yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, nên Quốc hội đã hai lần sửa đổi, bổ sung vào ngày 12.8.1991 và ngày 22.12.1992 theo hướng nghiêm khắc hơn. Hiện nay, tội này được quy định tại Điều 285 BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và so với Điều 220 BLHS 1985 trước đây không có sự thay đổi lớn, chỉ bổ sung loại hình phạt cải tạo không giam giữ và thêm trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng ở khoản 2 của điều luật, đồng thời quy định hình phạt bổ sung ngay trong điều luật.

Theo đó, khung hình phạt cao nhất được áp dụng theo quy định tại khoản 2 điều này khi người phạm tội “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là hình phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.

Theo luật sư, ông Phạm Tuấn Chiêm sẽ đối mặt với khung hình phạt nào khi bị Cục Điều tra hình sự – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khởi tố để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”?

- Theo thông tin báo chí đã đưa, ông Chiêm đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định để kết tội ông Chấn sát hại chị Nguyễn Thị Hoan, người cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Gia đình nạn nhân đã đề nghị xem xét tình tiết chị Hoan bị mất 2 chiếc nhẫn trước khi bị sát hại, nhưng ông Chiêm đã không kiểm tra đánh giá chứng cứ trong quá trình điều tra nên không phát hiện sai sót về tố tụng hình sự. Đồng thời, trong quá trình xét xử phúc thẩm, thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại CQĐT và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn nhận định là “gần đúng với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường” làm chứng cứ buộc tội ông Chấn đã phạm tội giết người. Việc làm của thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã vi phạm một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa trong đánh giá chứng cứ dẫn đến việc tuyên bản án oan sai. Với chức vụ tại thời điểm xảy ra vụ án và những hành vi này, ông Chiêm khó có thể tránh được tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS mà VKSNDTC đã khởi tố.

Tình tiết định khung hình phạt cho tội này là “hậu quả”, việc ông Chiêm phải đối mặt với khung hình phạt nào phụ thuộc vào việc xác định hậu quả do hành vi trên gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về mức độ nghiêm trọng của hậu quả đối với các tội phạm chức vụ nói chung cũng như tội danh này nói riêng. Từ góc độ tiếp xúc vụ án qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi chỉ có thể đánh giá khách quan hậu quả do sai phạm của thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm gây ra có thể thuộc vào khoản 2 Điều 285 BLHS. Ông Chiêm đã tuyên án sai người sai tội, lại là án liên quan đến tội đặc biệt nghiêm trọng, khiến ông Chấn phải chịu bản án oan tù chung thân, phải ngồi tù oan một khoảng thời gian dài trong 10 năm, ảnh hưởng sâu sắc tới danh dự, nhân phẩm và các quyền cơ bản như quyền tự do, quyền nhân thân của một công dân. Với hậu quả đã gây ra, ông Chiêm có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.

Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS, tòa án cũng sẽ phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII BLHS (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể và hậu quả gây ra chỉ là hậu quả rất nghiêm trọng, thì tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới 3 năm tù), nhưng không được dưới 6 tháng tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể hoặc chỉ là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46, là người đã bị xử lý nhiều lần về hành vi thiếu trách nhiệm nhưng vẫn tái phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt đến 12 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem