Cứu vãn "thanh danh" cốm làng Vòng

Thứ sáu, ngày 04/11/2011 19:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thực tế việc thương hiệu Cốm Vòng lao đao vì có hộ sản xuất vi phạm ATVSTP là bài học mà nhiều làng nghề có thể nhìn thấy để làm kinh nghiệm.
Bình luận 0

Việc hai cơ sở sản xuất nhuộm cốm bằng chất gây ung thư khiến cốm Vòng bị người tiêu dùng tẩy chay. Để cứu vãn “thanh danh”, ngày 3.11, UBND phường Dịch Vọng Hậu phối hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.Hà Nội tập huấn về ATVSTP cho các chủ cơ sở sản xuất cốm.

Chính quyền “vô tâm”

Cuộc họp bắt đầu lúc 14 giờ nhưng chỉ có cán bộ lãnh đạo và báo chí ngồi đợi. Phải 14 giờ 30, 9 hộ sản xuất cốm tại Dịch Vọng Hậu mới túc tắc kéo đến. Sự bất bình, bức xúc hiện lên trên mặt từng người.

img
Các hộ làm cốm ký cam kết sản xuất sạch sáng 3.11.

Ông Nguyễn Văn Sáng (số 4 tổ 55) bức xúc đổ tại nhà báo “điều tra không xin phép”, viết bài “vơ đũa cả nắm” gây hoang mang dư luận. Ông còn mang đến hai lọ “phẩm hữu cơ” mà ông vẫn sử dụng trong cốm để chứng minh cho cốm sạch của mình.

Bà Nguyễn Thị Cẩn (80 tuổi) chia sẻ, nhà bà đã sản xuất cốm mấy chục năm, chỉ sản xuất cốm tươi, tự sản xuất và tự tiêu thụ, mỗi ngày cũng chỉ 20-30kg nên không dùng bất cứ phẩm nhuộm nào. Tuy nhiên, bây giờ bà không bán nổi một cân, chào mời ai, họ cũng bảo: “Cốm có chất gây ung thư, không mua”.

Bà Cẩn cho biết, chỉ một số hộ sản xuất cốm sấy mới sử dụng phẩm màu và cũng do người nọ mách, người kia bảo mà dùng chứ có ai nói cho biết về độ độc hại đâu! “Đề nghị các anh chị cho chúng tôi biết địa chỉ, tên phẩm màu được phép sử dụng để chúng tôi còn biết đến chỗ đó mà mua” - bà Cẩn nói.

Chị Dung cũng cho biết: “Ai chẳng muốn bán cốm có màu tự nhiên. Nhưng người mua lại cứ thích cốm phải xanh nên có người chiều khách mới nhuộm phẩm”. Mọi người cũng quay sang mắng xối xả bà Nguyễn Thị Đức (gia đình làm cốm nhuộm chất độc Melachite Green) vì tội “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông Nguyễn Quang Hồng - Chủ tịch UBND xã kiêm Bí thư Đảng ủy phường Dịch Vọng Hậu nhận định: “Để việc này xảy ra là do những người chịu trách nhiệm quản lý chưa kịp thời hướng dẫn cụ thể cho bà con, nên bà con không biết, dẫn đến việc “vô tình” vi phạm. Vì thế, khi báo chí viết bài cũng nên cắt nghĩa rõ nguyên nhân là cố ý hay vô tình do kém hiểu biết. Nên thận trọng để bảo vệ làng nghề truyền thống danh giá, không chỉ là thương hiệu của Hà Nội, mà còn là của cả nước”.

Bài học “vỡ” thương hiệu

Tại buổi tập huấn, 9 hộ sản xuất cốm đã ký cam kết đảm bảo ATVSTP đối với nguyên liệu và sản xuất thực phẩm. Vấn đề đau đầu là hiện nay cốm Vòng đang bị tẩy chay một cách triệt để. “Bao giờ mới khôi phục lại được danh tiếng cho chúng tôi. Đề nghị ngay ngày mai phải có đính chính” - bà Cẩn bức xúc.

img Trước mắt, chúng tôi gợi ý cho các hộ sản xuất đóng túi sản phẩm cốm của mình, ghi rõ nhãn mác, thậm chí lấy chứng nhận “sản phẩm cốm sạch” của Chi cục ATVSTP để người tiêu dùng phân biệt rõ. img

Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chi cục ATVSTP Hà Nội

Bà Hoàng Thị Minh Thu – Chi cục phó Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết: “Không chỉ riêng đối với cốm Vòng mà với mọi loại thực phẩm nói chung, chỉ cần bị phát hiện làm bẩn, làm điêu thì người dân sẽ lập tức tẩy chay, mất thương hiệu ngay lập tức. Như vậy, người sản xuất sẽ mất uy tín, mất khách hàng, mất thị trường, mất lợi nhuận, mất việc”.

Thực tế việc thương hiệu Cốm Vòng lao đao vì có hộ sản xuất vi phạm ATVSTP là bài học mà nhiều làng nghề có thể nhìn thấy để làm kinh nghiệm. “Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng thông thái. Cái tâm của người sản xuất chính là thương hiệu và là lợi nhuận. Nếu tham lợi, sản xuất láo nháo thì thiệt hại chính là người bán” - bà Nguyễn Quỳnh Chi – Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem