Theo Đề án, trong giai đoạn 1 (2011-2015) sẽ tập trung đưa các DTTS có số dân dưới 5.000 người ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về văn hóa.
Không còn chữ viết
Ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc Miền núi (UBDTMN) cho biết: "Đây là đề án được triển khai và đầu tư về văn hóa dân tộc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Những năm qua, Nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án cho đồng bào DTTS, nhưng tập trung chủ yếu vào phát triển kinh tế, xã hội. Yếu tố văn hóa bị xem nhẹ nên đầu tư còn dàn trải, chủ yếu mới với tới trung tâm xã".
|
Lễ hội mừng mùa mới của người M'Nông ở Đăk Lăk. |
Cũng theo ông Thanh, trong Đề án phối hợp với Bộ VHTTDL lần này, UBDTMN sẽ tập chung vào 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người, đó là Si La (840 người), Pu Péo (705 người), Rơ Măm (352 người), Brâu (313 người), Ơ Đu (301 người). Tháng 10.2011, UBDTMN sẽ trình đề án cho đơn vị chủ trì là Bộ VHTTDL phê duyệt.
Thực tế hiện nay, 5 dân tộc dưới 1.000 người kể trên chỉ có tiếng nói, không có chữ viết. Văn hoá dân tộc chỉ được lưu giữ, phát triển qua truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hoá của họ có sự pha trộn, giao thoa, mai một và có xu hướng bị đồng hoá. Như dân tộc Ơ Đu, từ nhà cửa, trang phục, cưới hỏi, ma chay… đều pha trộn, vay mượn của người Thái và người Khơ Mú trong vùng. Một số di sản văn hoá của các dân tộc này chưa được chú trọng, bảo tồn, duy tu. Các điệu múa, hát dân ca, tục ngữ được lưu truyền lại rất ít.
Người dân giám sát
Trước ngày 30.8.2011, Bộ VHTTDL sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thống nhất xuyên suốt triển khai thực hiện Đề án và hướng dẫn, thống nhất với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện đề án năm 2012; rà soát và lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hoá năm 2012. Dự kiến, ngày 19.9, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Đề án, tập huấn cho các đối tượng thực hiện. Sau đó sẽ xây dựng các dự án thành phần giai đoạn 2011-2015.
Với quan điểm xuyên suốt: Nhà nước không làm thay, chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tác động mọi điều kiện, môi trường thuận lợi, phù hợp để bảo tồn, phát triển văn hóa đặc trưng của các DTTS Việt Nam, đề án có sự tham gia khá hùng hậu của các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành trong cả nước.
Đề án có 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào ban hành chỉ số về phát triển văn hóa DTTS Việt Nam; 7 giải pháp là đột phá, cấp bách, giao lưu, nguồn lực, tuyên truyền, lồng ghép, cơ chế chính sách. Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến lên đến 1.512 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, đây là Đề án quan trọng, việc công bố Đề án để nhân dân trong nước và nước ngoài biết là cách để công chúng kiểm tra, giám sát, đóng góp ý kiến trong quá trình thực hiện, góp phần vào hiệu quả Đề án.
Các địa phương sẽ tổ chức thực hiện các dự án thành phần trên địa bàn quản lý; thành lập bộ phận thường trực triển khai Đề án của tỉnh do đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở VHTTDL và các sở, ban, ngành liên quan cùng phối hợp tham gia.
Hoàng Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.