Đã có 1.179 ổ dịch viêm da nổi cục, 44.709 con trâu, bò mắc bệnh, Bộ NNPTNT chỉ đạo khẩn

P.V Thứ tư, ngày 12/05/2021 18:05 PM (GMT+7)
Trước tình hình bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có nguy cơ lan rộng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến vừa ký công văn đề nghị các địa phương giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.
Bình luận 0

Đã có 1.179 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020; đến nay dịch đã xảy ra tại 1.622 xã, thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số gia súc mắc bệnh trên 44.709 con, số chết và tiêu hủy trên 5.116 con (chiếm 11,4%). 

Hiện nay, cả nước có 1.179 ổ dịch viêm da nổi cục tại 164 huyện của 25 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. 

Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan diện rộng là rất lớn, gây thiệt hại cho phát triển chăn nuôi.

Bộ NNPTNT đánh giá, từ thực tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trong thời gian qua cho thấy nếu các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh rất hiệu quả.

Hiện, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh,... tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục ổn định nhờ đẩy mạnh tiêm phòng vaccine.

Đã có 1.179 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, Bộ NNPTNT chỉ đạo khẩn - Ảnh 1.

Huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tiến hành tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò. Ảnh: I.T

Xử lý triệt để các ổ dịch viêm da nổi cục mới phát sinh

Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch viêm da nổi cục phát sinh và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương đang có dịch bệnh viêm da nổi cục cần thực hiện công bố dịch theo quy định; tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch.

Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng.

Bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, bao gồm: Kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng (bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm); kinh phí hỗ trợ cho lực lượng thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch; kinh phí mua thuốc diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng tại các địa phương đang có dịch, địa phương có nguy cơ cao.

Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. 

Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt, các sản phẩm từ trâu, bò và vận chuyển trâu, bò.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn trực tiếp việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục tại các địa phương có ổ dịch viêm da nổi cục (chưa qua 21 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng.

Khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật thú y, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem