Đã có “gậy thần” đánh giá năng lực giáo viên?

Hà My Thứ bảy, ngày 08/09/2018 06:25 AM (GMT+7)
Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 10.10.2018. Quy định mới này liệu có phải là “ gậy thần” giúp tăng niềm tin của phụ huynh và học sinh đối với giáo dục Việt Nam hiện nay.
Bình luận 0

Dễ hơn hay xa vời?

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông là hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với giáo viên phổ thông về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và năng lực phát triển quan hệ xã hội. Trong đó, cụ thể được nêu rõ gồm có 5 tiêu chuẩn: Phẩm chất nhà giáo; phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng môi trường giáo dục; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

img

Muốn nâng cao chất lượng giáo viên, cũng như đội ngũ quản lý giáo dục, việc đầu tiên phải sửa các chuẩn. Ảnh: I.T

"Nói về bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông mới này, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với báo chí: “Về phát triển đội ngũ, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thành bại của đổi mới giáo dục là ở nhiệm vụ này. Trong năm học 2018-2019, chúng tôi vẫn tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm”.

Đi kèm với 5 tiêu chuẩn là 15 tiêu chí như: Đạo đức nhà giáo; phong cách nhà giáo; phát triển chuyên môn bản thân; xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh ...

Nếu so sánh với chuẩn giáo viên cũ thì sự khác biệt rõ ràng nhất chính là các quy chuẩn của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông mới được làm rõ tới từng tiêu chí, nêu cách chấm ba mức đạt, khá và tốt. Như vậy, rõ ràng tiêu chuẩn mới được Bộ GDĐT xây dựng theo hướng chi tiết hơn, có thể đánh giá được năng lực của giáo viên dễ dàng hơn trước.

Theo quy định mới, giáo viên sẽ tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học sau khi lấy ý kiến của tổ chuyên môn đối với giáo viên được đánh giá. Giáo viên xếp loại tốt phải có tất cả các tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt mức tốt, trong đó có các tiêu chí thuộc tiêu chuẩn phát triển chuyên môn nghiệp vụ đạt mức tốt.

Mức khá là có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí về chuyên môn nghiệp vụ đạt mức khá trở lên. Mức đạt có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên. Nếu có tiêu chí được đánh giá chưa đạt (tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí đó) thì giáo viên sẽ bị xếp loại chưa đạt.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia và các thầy cô giáo, tiêu chuẩn thứ 5, tức là yêu cầu về việc sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin còn có phần chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Nếu xét về mặt chủ trương thì đây là một tiêu chuẩn đúng đắn về mặt định hướng, bởi trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, ngoại ngữ và công nghệ thông tin sẽ là cánh tay đắc lực của giáo viên. Nhưng so với thực tế hiện nay thì tiêu chí này khá xa vời.

Quyết định thành bại của đổi mới giáo dục

Theo Bộ GDĐT, chuẩn này nhằm giúp giáo viên tự đánh giá từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Làm cơ sở để nhà trường đánh giá, xếp loại năng lực nghề nghiệp giáo viên từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên thường xuyên, liên tục.

Bộ trưởng Bộ GDĐT, Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Bộ đã ban hành thông tư về chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng. Đây là bước tiến rất lớn. Vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên, cũng như đội ngũ quản lý giáo dục, việc đầu tiên phải sửa các chuẩn. Tránh tình trạng hiện nay một số địa phương cứ nói rằng thừa chuẩn, vượt chuẩn nhưng chuẩn đó chưa phản ánh đúng yêu cầu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”.

Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết thêm , thời gian qua, Bộ GDĐT phối hợp các chuyên gia nước ngoài, tiến hành khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến góp ý của đội ngũ giáo viên qua nhiều vòng để ban hành được các chuẩn này. Bước đầu, sau khi ban hành, đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục đã rất quan tâm theo hướng tự soi, tự sửa để tự học, tự phát triển. Ngành sẽ có chương trình bồi dưỡng, hỗ trợ họ.

 Được biết tới đây, trên 850.000 giáo viên và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sẽ được bồi dưỡng, phát triển năng lực theo phương thức trực tuyến kết hợp với bồi dưỡng trực tiếp truyền thống trong khuôn khổ chương trình phát triển các trường sư phạm.

“Việc đặt ra chuẩn mới cho giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cụ thể, rõ ràng hơn để xếp loại là tốt về mặt chủ trương. Tuy vậy, khâu quan trọng nhất chính là việc những người thực hiện, kiểm tra và xếp loại giáo viên. Dù cho có đặt tiêu chuẩn chính xác tới đâu đi chăng nữa, thì việc quan trọng nhất là phải trung thực, minh bạch trong khâu xếp loại thì những tiêu chuẩn mới phát huy được hiệu quả của nó đối với công tác đánh giá năng lực giáo viên. Việc yêu cầu năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin cần phải có sự hỗ  trợ từ phía nhà nước với các chương trình. Lộ trình để hoàn thiện điều này phải kéo dài tới vài chục năm chứ không thể trong một sớm, một chiều”.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên thứ trưởng Bộ GDĐT

“Đối với giáo viên trong thời điểm hiện tại, việc tự ý thức để nâng cao trình độ trong quá trình giảng dạy là điều cần thiết. Bản thân nhiều giáo viên trẻ cũng đã tự bổ sung kiến thức mới, phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên đối với nhiều giáo viên có tuổi, sắp về hưu thì việc tiếp thu kiến thức mới đặc biệt là tin học và ngoại ngữ là tương đối khó khăn.
Tôi nghĩ cần phải linh hoạt trong việc áp dụng tiêu chuẩn này, hoặc phải bắt đầu áp dụng ở tuổi nghề nào của giáo viên… để tránh việc chỉ vì những mặt chưa tốt mà che lấp đi những mặt tốt của giáo viên trong công tác chuyên môn. Một giáo viên dạy môn toán giỏi nhưng tiếng Anh lại chưa thành thạo là điều không hề hiếm trong thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ nên bắt đầu chuẩn hóa về ngoại ngữ đối với giáo viên tiếng Anh trước, rồi sau đó sẽ tới các giáo viên bộ môn khác”.

Cô Bùi Thị Thu Hương (giáo viên cấp 1, TP.Thanh Hóa)

Hà My (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem