Đa dạng hóa nguồn thu cho các CLB: Cánh đồng nào chưa canh tác?

Thứ ba, ngày 11/08/2020 05:10 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động bóng đá, nhiều ý tưởng về việc đa dạng nguồn thu để “sống” qua mùa dịch đã được các CLB tính đến.
Bình luận 0

Khi V.League bước sang con đường chuyên nghiệp, nhiều đội bóng bỗng giàu lên nhờ nguồn tài chính khủng khiếp từ các ông bầu. Hàng loạt CLB được sự hậu thuẫn đã bước vào cuộc “chạy đua vũ trang”, mua sắm ngôi sao nhằm nâng cao chất lượng đội hình. Tuy nhiên, có một hệ quả là khi ông bầu kinh doanh không tốt, tiền dành cho bóng đá bị cắt giảm đã dẫn tới việc đội bóng nhanh chóng bị gỡ mác “đại gia”. Rồi nữa, khi ông bầu vướng vòng lao lý, CLB như rắn mất đầu và kết quả là phải tuyên bố giải thể.

Những câu chuyện đó đã không còn xa lạ với bóng đá nội và việc phụ thuộc vào dòng tiền của một ông bầu luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện tại, một số CLB V.League sống nhờ hai nguồn tiền chủ đạo là từ nhà tài trợ và ngân sách của địa phương. Và cứ sau mỗi mùa giải, họ phải làm đề cương kế hoạch để củng cố nguồn tiền của CLB.

Đa dạng hóa nguồn thu cho các CLB: Cánh đồng nào chưa canh tác? - Ảnh 1.

DNH Nam Định có lợi thế cực lớn là sở hữu lượng CĐV khổng lồ - Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều đội bóng tiết lộ các doanh nghiệp tài trợ cho họ đang lao đao vì vấn đề kinh doanh nên chẳng thể đảm bảo quỹ lương, thưởng cho chặng đường phía trước. Đó là thực tế buồn, nhưng nếu các CLB chủ động hơn về nguồn tài chính thì họ vẫn có “cửa” để vượt qua mùa dịch.

Thời điểm này, Thanh Hóa, DNH Nam Định, SLNA vẫn là niềm mơ ước của nhiều đội bóng bởi tính địa phương, màu cờ sắc áo. Ba CLB nói trên sở hữu lượng CĐV khổng lồ, trải đều khắp nước nên đi đến bất kỳ sân khách nào họ cũng được “cầu thủ thứ 12” tiền hô hậu ủng. Đây chính là “nguồn tài nguyên” cực lớn để Thanh Hóa, DNH Nam Định hay SLNA có thể kinh doanh kiếm tiền nuôi bóng đá.

Sở hữu nhiều khán giả và đậm đặc tính địa phương nên nếu có kế hoạch kinh doanh tốt từ việc tổ chức các gian hàng bán đồ lưu niệm xung quanh sân thì chắc hẳn đó là nguồn thu không hề nhỏ với CLB. Đó là chưa kể, việc bán vé, tuyên truyền về tận địa phương, các xã, huyện ở xa trung tâm cũng là phương án không hề tệ để tối ưu hóa nguồn thu. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, với lượng khán giả quan tâm lớn thì việc phát triển các kênh YouTube của CLB vừa là cách để tăng tính gần gũi giữa đội bóng với NHM vừa có thể kiếm tiền từ nền tảng “tài nguyên”. Mặt khác, việc kết hợp quảng cáo với các doanh nghiệp thông qua các buổi giao lưu giữa CLB với NHM cũng góp phần đa dạng nguồn thu.

Tất nhiên, số tiền từ các hoạt động nói trên không thể trở thành chỗ dựa chính cho các đội bóng, nhưng đó cũng là phương án để có thể đa dạng nguồn thu. Hiện tại, Hà Nội FC, HAGL và mới nhất là TP.HCM đều đang chuyên nghiệp hóa và đẩy mạnh khâu kiếm tiền từ các hoạt động thương mại. Và hơn nữa, đội ngũ truyền thông, kinh doanh của họ đã biết dùng bóng đá để đẻ ra tiền, góp phần tạo ra nguồn thu cho CLB trong mùa dịch. Nên nhớ, Hà Nội FC, HAGL hay TP.HCM không sở hữu lượng lớn CĐV địa phương, nhưng nhờ có nhiều ngôi sao trong đội hình nên họ đã biết biến lợi thế đó thành nguồn thu bên cạnh dòng tiền từ các ông bầu.

DNH Nam Định có thêm “nguồn thở” từ bán vé
Sân Thiên Trường (Nam Định) luôn thu hút trung bình từ 10.000 - 20.000 khán giả/trận đấu. Đặc biệt khi bóng đá Việt Nam trở lại sau dịch Covid-19 ở giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua, sân vận động này luôn đứng đầu về số lượng người hâm mộ đến sân. Cũng nhờ vậy mà DNH.NĐ kiếm được thêm một nguồn thu không nhỏ từ bán vé.

Cụ thể, với mệnh giá từ 10.000, 40.000, 60.000, 70.000 đồng/vé, ở mỗi trận đấu trên sân nhà, DNH Nam Định ước tính thu về khoảng 1 tỷ đồng tiền bán vé. Đó là con số đáng mơ ước đối với nhiều đội bóng và nhiều sân đấu tại Việt Nam.

Thành Văn (Bongdaplus)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem