Góp ý kiến về Dự thảo Luật Chăn nuôi trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra một số điểm chưa thực sự hợp lý của Dự thảo Luật.
Theo ĐB Trần Văn Lâm, thực tế cho thấy tình trạng lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Kháng sinh đưa vào thức ăn chăn nuôi nhằm phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Song hệ quả là nó sẽ làm tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của nhiều thực vật, vi khuẩn gây bệnh.
Do đó, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi phải cấm, chứ không phải là cho phép sử dụng nữa. Ngay cả việc sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho con non cũng không nên dùng nữa.
"Con non sử dụng thuốc kháng sinh cũng làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, cho nên khi lớn lên ăn thức ăn thông thường hay bị nhiễm bệnh hơn. Nếu cho phép đưa kháng sinh vào thức ăn thì sẽ khó kiểm soát sử dụng, bởi không thể biết người nuôi chỉ cho con non ăn hay dùng cho cả các đối tượng khác. Thậm chí nhiều con non đã trở thành sản phẩm tiêu dùng, thậm chí là đặc sản như lợn sữa hay bê", đại biểu Trần Văn Lâm cho biết.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, đã đến lúc cấm hẳn việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
Đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, xét lợi ích trước mắt và lâu dài, cũng như hướng tới một nền nông nghiệp sạch, tôi nghĩ nên cấm đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi. "Không thể chần chừ hơn nữa, chúng ta cần tách riêng biệt thức ăn với thuốc để kiểm soát chặt chẽ và đúng mục đích", đại biểu Trần Văn Lâm khẳng định.
Đặc biệt, liên quan đến quy định đối xử nhân đạo, hoặc "hạn chế gây sợ hãi" đối với vật nuôi trước khi giết mổ tại điều 70, các đại biểu tranh luận rất sôi nổi, có ý kiến cho rằng vấn đề này không khả thi, một số ý kiến nêu luật cần quy định dễ hiểu hơn.
Cụ thể, điều luật này yêu cầu cơ sở giết mổ phải có nơi lưu giữ bảo đảm vệ sinh, cung cấp nước uống phù hợp với loại vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn ĐBQH Kiên Giang) cho rằng, việc gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ khó khả thi, khó kiểm soát vì lực lượng kiểm tra ít. Bà Bé cũng đề nghị dự thảo Luật nêu rõ loại thuốc gây ngất nào được sử dụng cho vật nuôi trước khi giết mổ, tránh tình trạng lạm dụng thuốc, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Có đại biểu thì nhận định, từ "nhân đạo" sử dụng với động vật là chưa thực sự phù hợp vì nhân đạo chúng ta thường nói tới đạo làm người, do đó có thể sửa là "không đối xử tàn bạo với vật nuôi".
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn ĐBQH Kiên Giang)
Giải trình về các ý kiến góp ý, tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Luật Chăn nuôi được xây dựng trong hoàn cảnh rất đặc trưng, đó là chuyển từ sản xuất cung cấp cho trong nước, tiêu dùng là chính sang giai đoạn sản xuất nhiều để tập trung xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đặc điểm này rất nhiều vấn đề khi xây dựng luật phải tham chiếu, hoà đồng với tình hình mới.
Thứ 2 là vấn đề lao động trong nông nghiệp. Ví dụ khu vực chăn nuôi lợn trước đây là trên 10 triệu hộ, sau quá trình chuyển đổi, lao động nông nghiệp hiện còn 37%, chăn nuôi lợn hiện còn trên dưới 3 triệu hộ, do đó khi thiết kế luật, những quy định liên quan sẽ phải thích ứng với việc chuyển dịch lao động này.
Thứ 3, mọi giải pháp trước đây tập trung giải quyết yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực theo nghĩa rộng là chính, nhưng nay với đà tăng trưởng về kinh tế, nhu cầu của hơn gần 100 triệu dân đòi hỏi phải sản xuất sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn, gắn với nhu cầu của gần 100 triệu dân và đáp ứng phát triển các ngành khác, như du lịch. Mà để gắn với du lịch, thì phải đi liền với cảnh quan, văn hoá, ẩm thực, phải khai thác tốt các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế như đặc sản, vật nuôi quý hiếm…
Thứ 4, luật cũng lưu ý tới sự phát triển không đồng đều giữa các vùng. "Trong quá trình xây dựng luật, Bộ NN&PTNT đã tích cực lắng nghe, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo để đưa ra Quốc hội. Đến lúc này vẫn nhận được 13 ý kiến đóng góp, 14 đại biểu đăng kí và nhiều tranh luận. Các ý kiến góp ý đều rất xác đáng, ví dụ như đại biểu Mai Sỹ Diến đã nói rất đúng, chính sách nhà nước phải tạo ra đột phá về mặt công nghệ, để làm sao con lợn có giá thành sản xuất dưới 30.000 đồng/kg thì mới cạnh tranh được" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Dự Luật Chăn nuôi sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 20/11.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi.
Theo đó, về bố cục, nội dung của Dự thảo Luật, ông Phan Xuân Dũng cho biết, một số ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi nước ta đã có tốc độ phát triển nhanh đưa lại giá trị kinh tế lớn nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, nên cần phải có chính sách đủ mạnh, chiến lược phù hợp để phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, chuỗi khép kín, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và xử lý môi trường chăn nuôi; bổ sung quy định về chế biến, bảo quản để phát triển chăn nuôi theo chuỗi, bền vững. Đồng thời đề nghị rà soát nội dung và số lượng chương, điều của Dự thảo Luật cho phù hợp hơn.
Tiếp thu các ý kiến nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung một số điều, khoản; kết cấu, chỉnh sửa lại các chương, mục cho rõ ràng và hợp lý hơn, phù hợp với nội hàm điều chỉnh. Dự thảo Luật đã được bổ sung 1 chương mới về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; một số điều quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi cho rõ ràng và cụ thể hơn; chỉnh sửa, bổ sung một số quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi;...
Sau khi chỉnh sửa, Dự thảo Luật mới gồm 8 chương 82 điều, tăng 17 điều so với Dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.