Đà Nẵng: Cả làng sống khỏe re nhờ nghề ủ hạt nảy ra thứ mầm trắng nõn nà

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ bảy, ngày 10/10/2020 13:05 PM (GMT+7)
Giữa lòng TP Đà Nẵng nhộn nhịp, có một làng nghề với truyền thống làm giá đỗ nổi tiếng được hình thành cách đây hàng chục năm. Nhờ nghề ủ giá đỗ mà nhiều hộ trong làng có cuộc sống khấm khá, nhà cửa khang trang và nuôi con cái ăn học thành tài.
Bình luận 0

Ăn ngủ với nghề ủ giá

Làng Nghi An thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, nơi đây khi xưa nổi tiếng với nghề làm giá đất (ủ dưới đất) có danh tiếng vang xa khắp vùng. Ngày nay, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nên người dân chuyển sang làm giá theo phương pháp tưới nước để kích thích sự nảy mầm của hạt đậu (đỗ).

Đà Nẵng: Nông dân khấm khá nhờ nghề làm giá truyền thống - Ảnh 1.

Đậu xanh được cho vào những lu nhỏ, cứ 4 giờ tưới nước 1 lần rồi lại úp lu xuống.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Giá đỗ Nghi An chia sẻ: "Tôi cũng không nhớ rõ nghề làm giá ở đây có từ khi nào, chỉ biết từ đời ba mẹ tôi đã mưu sinh bằng nghề này và đến nay tôi tiếp nối. Để duy trì nghề làm giá thì tôi và nhiều hộ sản xuất trong vùng được tập huấn, chỉ dạy cách làm giá nước trong lu. Cách này cũng giống cách ủ đất về thời gian, chất lượng giá, nhưng nhọc công và khá vất vả vì phải đảm bảo tưới nước 4 tiếng 1 lần".

Đà Nẵng: Nông dân khấm khá nhờ nghề làm giá truyền thống - Ảnh 2.

Đậu được ngâm nước vôi trong để làm sạch vỏ, dùng tấm lát đậy kín và cố định bằng những vòng thép để đậu không rơi ra ngoài.

Giá có thể làm từ đậu xanh, đậu đen, đậu nành, nhưng nếu làm từ đậu xanh thì sản lượng cao hơn, cọng giá đẹp, có mùi thơm và vị ngọt nhẹ. Cho 1kg đậu xanh vào lu và đậy lại bằng tấm lát, dùng dây thép vòng quanh tấm lát để đậu không rơi ra ngoài. 

Đổ nước vôi trong vào ngâm 4 tiếng để làm sạch vỏ đậu, sau đó đổ ra và đợi 4 tiếng lại cho nước vôi vào ngâm tiếp trong 15 phút, đổ nước ra và tưới nước sạch đều đặn 4 tiếng 1 lần để giá phát triển. Sau 5 ngày, mỗi chiếc lu sẽ cho ra từ 8-10kg giá tươi.

Đà Nẵng: Nông dân khấm khá nhờ nghề làm giá truyền thống - Ảnh 3.

Ông Trịnh Quang Cư (70 tuổi) cung cấp cho thị trường Đà Nẵng khoảng 500kg giá mỗi ngày, bán 8.000 đồng/kg.

Nông dân Nguyễn Ngọc Quý (65 tuổi) cho biết: "Tôi có tổng cộng 270 cái lu, sản xuất cuốn chiếu 50 lu và cung cấp cho thị trường 500kg giá mỗi ngày. Để đảm bảo giá có chất lượng tốt, đạt sản lượng thì phải lựa được hạt đậu chắc, già. Đồng thời, nhiệt độ trại giá phải ở mức từ 25-31 độ C, vì nóng quá hoặc lạnh quá thì giá không phát triển và hư hỏng".

Đời sống khấm khá

Ông Nguyễn Văn Thuận phấn khởi nói: "Thương hiệu giá đỗ Nghi An đã được khẳng định nhiều năm nay, tiêu thụ mạnh tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Nông dân luôn sản xuất đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi xuất ra 600kg giá, bán 8.000 đồng/kg, trừ đi chi phí thu lãi từ 800.000-1.000.000 đồng".

Đà Nẵng: Nông dân khấm khá nhờ nghề làm giá truyền thống - Ảnh 4.

Giá phát triển tốt ở nền nhiệt từ 25-31 độ C, nếu nóng quá hoặc lạnh quá thì giá sẽ không phát triển và hư hỏng.

HTX Giá đỗ Nghi An hiện nay có 9 thành viên tham gia, với tổng sản lượng bán ra mỗi ngày là 6 tấn giá. Tuy nghề này vất vả nhưng sản xuất ổn định quanh năm, vào mùa mưa giá lại bán được hơn. Nhờ đó, nông dân có nguồn kinh tế ổn định để trang trải cuộc sống tốt hơn, tạo điều kiện cho con em ăn học thành tài. Được biết, một vài bạn trẻ dù đã tốt nghiệp Đại học, có công việc ổn định nhưng vẫn quay về nối nghề làm giá truyền thống của gia đình.

Đà Nẵng: Nông dân khấm khá nhờ nghề làm giá truyền thống - Ảnh 5.

Sau 5 ngày, trung bình mỗi chiếc lu sẽ cho ra từ 8-10kg giá.

Hai đợt dịch Covid-19 vừa qua, người dân Nghi An thua lỗ hàng chục triệu đồng vì đến sát ngày thu hoạch thì thương lái ngừng mua hoặc mua số lượng ít. Bên cạnh đó, đậu xanh mùa này tăng cao hơn mùa trước nhưng chất lượng không đạt khiến giá ra không đều, hư hỏng và giảm sản lượng. Tuy nhiên, các xã viên vẫn duy trì sản xuất và bán theo mức giá HTX đã niêm yết.

Đà Nẵng: Nông dân khấm khá nhờ nghề làm giá truyền thống - Ảnh 6.

Thương lái đến tận trại để lấy giá ra khỏi lu, rửa sạch vỏ đậu và giao hàng về các đầu mối: quán ăn, nhà hàng, chợ…

Vừa kiểm tra những lu giá, ông Trịnh Quang Cư (70 tuổi) vừa nói: "Trước kia làm giá đất tôi chỉ tưới 2 lần/ngày nên khỏe lắm, còn bây giờ làm giá nước thì bận rộn và cực nhọc như chăm con nhỏ. Dù vậy nhưng tôi vẫn thấy vui, thấy khỏe, nên cứ còn sức là tôi còn làm, để truyền đạt kinh nghiệm cho người trẻ và góp phần phát triển làng nghề giá đỗ Nghi An".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem