Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phát triển đa dạng sản phẩm OCOP
Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết: "Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm phát huy tiềm năng, nội lực của các chủ thể kinh tế (hộ kinh doanh, chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp) để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương.
Chương trình OCOP được Đà Nẵng tập trung nguồn lực triển khai một cách hiệu quả bằng nhiều giải pháp thiết thực. Tính đến hết năm 2023, toàn thành phố có 98 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt chuẩn OCOP (không tính số lượng đánh giá, phân hạng lại) với sự tham gia của 72 chủ thể".
Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 43 sản phẩm đạt 4 sao, 54 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện Hòa Vang có 33 sản phẩm được gắn sao OCOP, chiếm số lượng nhiều nhất trên địa bàn thành phố.
Năm 2023, thành phố Đà Nẵng đã đạt kết quả tích cực trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP, với tổng số sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP là 48 sản phẩm. Kết quả có 22 sản phẩm được công nhận 3 sao và 26 sản phẩm được công nhận 4 sao, cơ cấu sản phẩm có thêm sự đa dạng với nhóm sản phẩm về du lịch.
Bà Hậu cho hay: "Nhìn chung, Chương trình OCOP đã và đang triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 của UBND thành phố.
Các sản phẩm tham gia OCOP đã được hỗ trợ về bao bì, nhãn hiệu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển được tiềm năng, lợi thế. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể nhận diện được sản phẩm một cách dễ dàng và an tâm về chất lượng sản phẩm".
Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu như: Bánh dừa nướng mè của Công ty TNHH Mỹ Phương Food (sản phẩm tiềm năng 5 sao), Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, Nấm đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm, Giò chả Thảo Sinh, Chả cá Cây Sang, Chả lụa của Công ty TNHH PecoFood, Trà gừng Tâm Nguyên, Đông trùng hạ thảo Dr.Trung, Tré ông Chánh, Ngũ cốc mầm cao cấp Đô 37....
Xuất khẩu sản phẩm OCOP
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đến nay, có 64 sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử và Cổng Thông tin du lịch thành phố Đà Nẵng.
Thêm vào đó, nhiều kế hoạch được triển khai nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối cung – cầu và phân phối sản phẩm OCOP; hỗ trợ sản phẩm OCOP tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm trong và ngoài thành phố....
Một số chủ thể OCOP đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, tạo dựng được chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và xuất khẩu quốc tế.
Là chủ thể sản phẩm Bánh dừa nướng mè TOPCOCO đạt OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao của Đà Nẵng, chị Mai Thị Ý Nhi – Đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Food cho biết, khi tham gia Chương trình OCOP, chị và các chủ thể khác được cơ quan nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để chuẩn hóa sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn về thương mại, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại.
"Nhờ đó, sản phẩm Bánh dừa nướng TOPCOCO được quảng bá rộng rãi, có cơ hội kết nối với các đối tác phân phối và đặt chân đến nhiều vùng miền, thậm chí chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Đài Loan, Trung Quốc.
Ngoài ra, tôi còn liên kết với một số công ty xuất khẩu trung gian để đưa sản phẩm đến với thị trường Anh, Pháp, Hà Lan. Hơn hết, thành công từ sản phẩm OCOP đã giúp hơn 40 lao động có việc làm ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố", chị Nhi chia sẻ.
Thời gian sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục có nhiều hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy chế biến sâu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đặc biệt là tập trung chỉ đạo phát triển đa dạng sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.