Đà Nẵng: Lĩnh vực thương mại dịch vụ đang đưa xã Hoà Phong đi lên đô thị
Đà Nẵng: Lĩnh vực thương mại dịch vụ đang đưa xã Hoà Phong đi lên đô thị
Trần Hậu
Thứ tư, ngày 08/03/2023 12:42 PM (GMT+7)
Trong những năm qua, nhờ phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có hiệu quả, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Ông Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Hoà Phong cho biết, xã có diện tích tự nhiên hơn 18.59km2, nằm ở Trung tâm hành chính huyện Hoà Vang, phía Đông giáp xã Hoà Tiến, phía Nam giáp xã Hoà Khương, phía Bắc giáp xã Hoà Nhơn, phía Tây giáp xã Hoà Phú, có quốc lộ 14B và tuyến đường 14G, tuyến đường ADB5 chạy qua tạo nhiều thuận lợi.
Nắm bắt được lợi thế đó, Hoà Phong xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác quy hoạch, xây dựng cơ bản được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, đã giúp cho diện mạo Hoà Phong ngày càng khang trang hơn.
Năm 2014, xã Hòa Phong đã cán đích xã nông thôn mới, đến năm 2020 xã được công nhận đạt đô thị loại V. Đây là bước đệm quan trọng giúp địa phương chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Xã Hoà Phong thường xuyên theo dõi, phối hợp bàn giao mặt bằng triển khai 10 dự án đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn như: tuyến đường vành đai phía Tây, khu tái định cư phục vụ dự án đường vành đai, trạm biến áp 110KV, tuyến đường Quảng Xương đi Hợp tác xã 2, kè sông Túy Loan, tuyến đường liên thôn Cẩm Toại Tây đi Nam Thành, tuyến đường vào mộ Lê Thống Chế, tuyến đường vào bia Lê Thị Hồng Gấm, tuyến đường vào Nghĩa trang liệt sĩ.
Trong năm 2022, xã đã giải phóng mặt bằng, vật kiến trúc, cây cối để thi công 1,21km đường giao thông nội đồng; 1,63km giao thông kiệt hẻm; hoàn thành lắp đặt 3.727m điện chiếu sáng kiệt hẻm; nạo vét 9,74km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, 8 công trình xây dựng cơ bản được hoàn thành và chuẩn bị đầu tư 4 công trình: khu thể thao thôn Dương Lâm 2 và thôn Cẩm Toại Tây, điện chiếu sáng Cẩm Toại Tây - Nam Thành, xử lý ngập úng Túy Loan Đông 2 - mương thoát nước nhà ông Quách Diện thôn Túy Loan Tây.
Địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực giáo dục, phối hợp với các trường tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng các trường trọng điểm đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, trường Mầm non Hòa Phong số 2 đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trường Tiểu học An Phước hoàn thành xây dựng mới và đi vào hoạt động từ tháng 5/2022.
Những năm qua, ngoài hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ, Hoà Phong cũng tập trung đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình phục vụ dân sinh khác, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân ngày một cao, diện mạo Hòa Phong ngày càng đổi thay hiện đại, phát triển đi lên.
Động lực từ thương mại dịch vụ
Ông Đặng Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, bên cạnh việc đầu tư xây dựng nông thôn mới, chuyển mình mạnh mẽ lên đô thị, xã Hoà Phong luôn đẩy mạnh phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho bà con. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Tổng giá trị sản xuất năm 2022 của xã ước đạt 780,9 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 12,8%. Trong đó, giá trị ngành nông lâm thủy sản là 84,1 tỷ đồng, tiểu thủ công nghiệp là 288,3 tỷ đồng, thương mại dịch vụ là 408,5 tỷ đồng.
Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, thích ứng an toàn trong tình hình mới nên hoạt động thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã được khôi phục và có bước tăng trưởng, sôi động trở lại.
Ông Thành cho biết thêm, toàn xã có hơn 1.345 cơ sở sản xuất, kinh doanh, với điểm nhấn là khu phố đêm Túy Loan và tuyến đường Quảng Xương hoạt động hiệu quả, khai thác các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí mới.
Đặc biệt thu hút nhiều loại hình kinh doanh mới như siêu thị mini (concung, winmark, pikamart), cửa hàng xe máy, dịch vụ ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe trên tuyến đường Quảng Xương phát triển mạnh.
Cùng với đó, xã Hoà Phong tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất như: vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre xuất khẩu, sửa chữa cơ khí, chế biến nông sản... nhằm giải quyết lao động địa phương, tăng giá trị sản xuất.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, xã Hoà Phong tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi phù hợp. Đặc biệt đề xuất huyện đầu tư phát triển vùng rau an toàn Túy Loan, thành vùng nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
Xã Hoà Phong vẫn duy trì ổn định 262ha diện tích rừng tập trung và phân tán toàn xã. Trong năm tổ chức khai thác gần 12,5ha rừng, trồng mới 4,5ha. Chính quyền vận động nhân dân tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.
Về nuôi trồng thủy sản, xã tiếp tục phát triển nuôi cá nước ngọt với diện tích 8,9ha, tập trung quy mô tại các thôn vùng Tây với 7,4ha. Thành phố hỗ trợ 23.000 cá giống cho hộ nuôi cá tại Nam Thành, Khương Mỹ, trong đó có 3 hộ được hỗ trợ nuôi cá theo hướng an toàn sinh học (cá diếc, cá thát lát).
Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã giúp thu nhập của người dân ngày càng tăng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Hoà Phong ước đạt 58,3 triệu đồng/người/năm.
Xã Hoà Phong phấn đấu năm 2023 giá trị sản xuất toàn nền kinh tế ước đạt 885,1 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng là 13,4%. Thu nhập bình quân đầu người từ 62-65 triệu đồng/năm, tăng bình quân thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hằng năm từ 8-10%....
Ông Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Hoà Phong cho hay: "Năm 2022 diễn ra trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 kéo dài, tình hình thiên tai diễn biến bất thường, nhưng nhờ sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân mà Hoà Phong vẫn giữ chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, từ đó tiến lên xây dựng xã Hòa Phong hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV…".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.