Đà Nẵng: Nông dân thích thú xem máy cấy mạ khay chạy vèo vèo
Đà Nẵng: Nông dân thích thú xem máy cấy mạ khay chạy vèo vèo, loáng cái đã cấy xong ruộng
Trần Hậu
Thứ tư, ngày 06/01/2021 09:00 AM (GMT+7)
Ngày 5/1, tại cánh đồng thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, Trung tâm Khuyến Ngư Nông Lâm Đà Nẵng phối hợp với Công ty TNHH MTV Hồng Hải Bình tổ chức buổi trình diễn máy cấy lúa Kubota. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động chuyển giao kỹ thuật ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa tại Đà Nẵng.
Ông Đặng Văn Hồng – Giám đốc Trung tâm Khuyến Ngư Nông Lâm Đà Nẵng cho biết, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Sở NNPTNT TP Đà Nẵng, nhiều hoạt động triển khai ứng dụng kỹ thuật mạ khay, cấy máy đã được triển khai trong hoạt động của ngành. Phương pháp mạ khay, cấy máy là một phương pháp hiệu quả mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.
Cấy lúa sử dụng cơ giới hóa nên năng suất cấy nhanh, giảm công lao động và trồng mật độ theo ý muốn, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội, nhất là phục vụ cho các mô hình sản xuất lúa hướng hữu cơ, hữu cơ sinh thái theo hướng bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất trong sản xuất lúa, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.
Đợt này, Trung tâm Khuyến Ngư Nông Lâm Đà Nẵng phối hợp Công ty TNHH MTV Hồng Hải Bình triển khai trình diễn trên diện tích 2,5ha với 24 hộ tham gia, sản xuất lúa hữu cơ ứng dụng mạ khay, cấy bằng máy Kubota trong vụ đông xuân 2020-2021 tại thôn An Trạch – xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Đây sẽ là tiền đề, cơ sở giúp nhân rộng mô hình ra các địa phương khác đang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, góp phần tạo nên nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cho TP Đà Nẵng.
"Hi vọng rằng, buổi trình diễn hiện trường mô hình mạ khay, cấy máy Kubota, các địa phương nhanh chóng triển khai kế hoạch kỹ thuật này trong thời gian tới một cách rộng rãi, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển các vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ TP Đà Nẵng đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 mà ngành nông nghiệp đang triển khai…", ông Hồng cho hay.
Nông dân Đặng Quang Viên, 65 tuổi, ở thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho biết, vụ đông xuân 2020-2021 gia đình ông trồng thử nghiệm mô hình mạ khay, cấy máy trên diện tích 3 sào.
Đây là mô hình mới, có nhiều ưu điểm nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí lúa giống, công cấy, rút ngắn được thời gian lao động. Lúa cấy bằng máy thẳng hàng, đều cây nên lúa dễ phát triển, phòng trừ sâu bệnh tốt hơn, dự kiến năng suất sẽ cao hơn so với kiểu sản xuất lúa thường".
"Ngoài tiết kiệm được chi phí, tôi được hỗ trợ giống lúa, phân bón, liên kết với các đại lý thu mua, tiêu thụ đầu ra sản phẩm, tôi rất vui. Nhà tôi sản xuất lúa trung bình 1 mẫu/năm (10 sào), vụ hè thu sắp tới tôi sẽ triển khai nốt diện tích còn lại để nâng cao thu nhập…", ông Viên phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Phú Ban – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng cho biết, sản xuất nông nghiệp Đà Nẵng là theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững và hiện đại bằng việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tích hợp với từng vùng, từng loại cây trồng.
Hiện, toàn TP. Đà Nẵng có 2.400ha đất sản xuất lúa, trong đó có 142ha được chứng nhận VietGAP. Đà Nẵng bắt đầu sản xuất lúa hữu cơ từ năm 2012, hiện nay đang triển khai mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ lên khoảng 350ha. Điểm nhấn đáng chú ý đối với sản xuất lúa hữu cơ là năng suất bằng hoặc cao hơn lúa thường, nhưng giá trị kinh tế cao hơn từ 15-20%.
"Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nói chung và lúa hữu cơ nói riêng nhằm tạo môi trường sinh thái tốt, bảo vệ nguồn nước, xử lý môi trường, tạo hệ sinh thái trong lành cho vùng nông thôn và tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng..., đó là những giá trị cốt lõi quan trọng nhất. Thời gian tới, Đà Nẵng triển khai mạnh mẽ hơn nữa sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao thu nhập, cũng như thỏa mãn được "ước vọng" của người dân vào nông nghiệp", ông Ban nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.