Đà Nẵng: Phát triển sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu nhiều đặc sản, nông sản đặc trưng

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ năm, ngày 08/06/2023 14:32 PM (GMT+7)
Ngày 7/6, Báo Tuổi trẻ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Đà Nẵng, Sở Công thương TP.Đà Nẵng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng”.
Bình luận 0

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Phú Ban – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng và ông Hồ Tấn Vũ – Trưởng đại diện văn phòng Báo Tuổi trẻ vùng Trung Trung bộ.

Đà Nẵng: Phát triển sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo “Phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng”. Ảnh: T.N.

Ngoài ra, còn có các lãnh đạo là đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới các tỉnh: Nghệ An, Sơn La và TP.Hà Nội; đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố; cùng đại diện các chủ thể OCOP của Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, Lâm Đồng, Nghệ An và các siêu thị, đơn vị phân phối trên địa bàn.

Sau 3 năm triển khai thực hiện (2020-2022), Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP.Đà Nẵng đã mang lại kết quả tích cực, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng: Phát triển sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Phú Ban – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Đà Nẵng chia sẻ các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: T.N.

Chương trình OCOP hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và vừa khai thác tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đến nay, toàn thành phố có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP ở tất cả các quận, huyện. Trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 42 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia đánh giá cấp Trung ương.

Đà Nẵng: Phát triển sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.N.

Có 53 chủ thể tham gia, với 56,6% chủ thể là cơ sở sản xuất kinh doanh, 15,1% là Hợp tác xã và doanh nghiệp là 28,3%.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Tấn Vũ – Trưởng đại diện văn phòng Báo Tuổi trẻ vùng Trung Trung bộ nhấn mạnh: "Một trong những điểm khác biệt của sản phẩm OCOP Đà Nẵng đó là không chạy theo số lượng, thành tích mà có sự khảo sát, đánh giá nghiêm túc từ khâu lựa chọn ý tưởng, phát triển phương án và hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Vì vậy, so với các địa phương khác thì số lượng sản phẩm OCOP của Đà Nẵng không nhiều nhưng đã có sự chọn lựa, thể hiện những đặc trưng, lợi thế và phát huy giá trị cộng đồng trong sản phẩm OCOP như: nước mắm Nam Ô, kiệu hương Hòa Nhơn, bưởi Hòa Ninh, rau, củ, quả Túy Loan, gà thả vườn Kê Sơn...".

Đà Nẵng: Phát triển sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu - Ảnh 4.

Chị Mai Thị Ý Nhi – Chủ cơ sở sản xuất bánh ngọt Mỹ Phương có sản phẩm đạt OCOP 4 sao chia sẻ những hiệu quả tích cực khi tham gia OCOP. Ảnh: T.N.

Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến như: ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP.

Chương trình OCOP đã khơi dậy sự sáng tạo, chuyển giao công nghệ trong sản xuất thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công; sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có tem truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, bao bì đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Nguyễn Phú Ban – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Đà Nẵng cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực thì chương trình OCOP của thành phố còn gặp những hạn chế, khó khăn như: nhiều tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận, nhận thức đầy đủ về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP; số lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các nhóm ngành, phần lớn tập trung vào nhóm thực phẩm, thiếu sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch vốn là thế mạnh của thành phố; chủ thể chưa quan tâm tạo sự liên kết trong phát triển nguyên liệu và thị trường.

Để khắc phục những điều đó, các chủ thể OCOP cần thực hiện song hành ba yếu tố về xây dựng sản phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn hóa sản phẩm thương mại điện tử và chủ động liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa các chủ thể. Từ đó, sản phẩm OCOP sẽ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường rộng mở hơn, hướng đến xuất khẩu.

Đà Nẵng: Phát triển sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu - Ảnh 5.

Mục tiêu đến năm 2025, TP.Đà Nẵng có khoảng 135 sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Ảnh: T.N.

Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh xây dựng và mở rộng vùng trồng nguyên liệu tại chỗ, phát huy tối đa nội lực, tạo nền tảng để nâng cao giá trị, thương hiệu, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Phát biểu thảo luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng chia sẻ: "Để sản phẩm OCOP Đà Nẵng phát triển vươn xa hơn, thì các chủ thể phải thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều. Đồng thời, áp dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng năng suất nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống của từng sản phẩm".

Ngoài việc hỗ trợ sản xuất, mẫu mã bao bì để xây dựng thương hiệu sản phẩm, thì việc quảng bá và hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm OCOP, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử cũng được các Sở, ban, ngành thành phố quan tâm thực hiện.

Đà Nẵng: Phát triển sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu - Ảnh 6.

Các đại biểu và chủ thể OCOP cùng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội thảo. Ảnh: T.N.

Tại Hội thảo, đại biểu các tỉnh, thành phố, các chủ thể OCOP đã tích cực trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn và khai thác các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa.

Một trong những giải pháp trọng tâm phát triển sản phẩm OCOP là nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể OCOP; tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống. Đặc biệt là phát triển sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch cộng đồng.

Mục tiêu đến năm 2025, TP Đà Nẵng có khoảng 135 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, với 56/56 xã, phường đều có sản phẩm được công nhận OCOP. Để đạt được mục tiêu đó, thì thành phố cần có những giải pháp, cách làm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và quan trọng là khơi dậy được sức mạnh của cộng đồng, nguồn lực của chủ thể khi tham gia chương trình OCOP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem