Ghi nhận của PV Dân Việt sáng ngày 17/1 tại các chợ trên địa bàn huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), rất đông người tiêu dùng có mặt tại các chợ, cửa hàng tạp hóa từ rất sớm và tranh thủ mua sắm những món đồ cần thiết đón Tết, nhiều nhất vẫn là hàng bánh kẹo, rau củ, hoa quả... Nhiều mặt hàng như ô mai, mứt, hạt khô… liên tục trong tình trạng "cháy hàng".
Mứt, bánh kẹo là một trong những mặt hàng bán chạy nhất dịp Tết.
Nhiều mặt hàng thực phẩm và đồ trang trí Tết với mẫu mã đa dạng, rực rỡ sắc màu được bày bán. Năm nay, các mặt hàng thực phẩm và đồ trang trí Tết được đánh giá là khá phong phú và mới lạ. Chị Hòa Thu (chủ cửa hàng tạp hóa Hòa Thu) cho biết, các loại mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như: Rượu, bia, bánh kẹo, thực phẩm khô… được nhập về khá sớm.
"Giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, tại nông thôn các cửa hàng tạp hóa đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy để người tiêu dùng mua sắm các mặt hàng Tết, vì thế chúng tôi đã dự trữ một lượng hàng nhất định ở trong kho để bán cho khách hàng”, chị Thu cho hay.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thảo, chủ cửa hàng tạp hóa tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết: “Những năm gần đây, kinh tế cũng phát triển thu nhập ở nông thôn cũng tăng cao nên người dân có nhu cầu mua sắm Tết những mặt hàng chất lượng, do vậy, cửa hàng chủ yếu dự trữ những loại thực phẩm khô loại ngon, dù giá thành có cao hơn một chút. Bánh kẹo dự trữ cũng đều là những mặt hàng có thương hiệu như: Hải Hà, Kinh Đô…”.
Tại nông thôn, cửa hàng tạp hóa đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy để người tiêu dùng mua sắm các mặt hàng Tết.
Do lo lắng giáp Tết các mặt hàng thực phẩm khô sẽ tăng giá cao nên hiện một số người dân đã đi sắm Tết sớm. Chị Nguyễn Mỹ Hoa (xã Hòa Phong) chia sẻ: “Hiện nhà tôi đã mua đầy đủ thực phẩm như: Măng khô, nấm hương, bánh mứt… vì giáp Tết những mặt hàng này thường bị đẩy lên 2-3 giá, vừa đắt lại vừa khó mua”.
Trước nhưng lo lắng của người tiêu dùng, chị Thảo khẳng định, từ nay đến Tết Nguyên đán giá các mặt hàng thực phẩm khô sẽ được giữ ổn định. Chị Thảo lý giải: “Tất cả những mặt hàng đều đã được cửa hàng dữ trữ từ rất sớm nên giá nhập vào cũng không cao hơn so với ngày bình thường. Chỉ có một số mặt hàng bán chạy đột biến, đến cận Tết tôi phải nhập thêm thì sẽ phải tăng lên theo giá của thị trường”.
Ngoài ra, theo chị Thảo, việc tăng giá vào thời điểm Tết cũng sẽ không giữ được “chân” những khách hàng quen thuộc. “Chỉ vì kiếm lời mấy ngày Tết mà tôi bị mất hết khách hàng quen thì không đáng, bởi mình còn buôn bán lâu dài không chỉ ngày một ngày hai”, chị Thảo tâm sự.
Trao đổi với PV, Phan Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang cho biết: “Hằng năm, huyện đều phối hợp với Sở Công thương đều tổ chức các phiên chợ hàng Việt về với các xã trên địa bàn, qua đó góp phần tuyên truyền về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giới thiệu đến bà con các sản phẩm, thương hiệu Việt. Bà con đều hài lòng về chất lượng, giá cả nguồn hàng”
Theo Sở Công thương thành phố, dịp sát Tết Nguyên đán, Sở tổ chức các chương trình đưa hàng phục vụ đồng bào miền núi tại 2 xã Hòa Bắc và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang). Đơn vị được đề xuất thực hiện chương trình là Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, đơn vị có kinh nghiệm nhiều năm đưa hàng Việt về nông thôn. Theo đó, tại mỗi xã sẽ tổ chức 1 chuyến xe lưu động bán hàng trong vòng 2 ngày 1 đêm, bắt đầu từ ngày 7 đến ngày 10/1 (nhằm ngày 13-16 tháng Chạp).
Những chuyến hàng được tăng cường về phục vụ người dân nông thôn, vùng miền núi.
"Tất cả các mặt hàng được bày bán tại các vùng nông thôn đều được sản xuất trong nước, bảo đảm về mẫu mã, chất lượng, giá cả các mặt hàng không cao hơn, thậm chí thấp hơn giá bán ở trung tâm thành phố", bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Siêu thị Co.oopmart Sơn Trà cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.