Đá phong trào, cầu thủ chấn thương "chuyên nghiệp" từ... trên trời rơi xuống

Ngọc Linh Thứ năm, ngày 06/04/2023 14:10 PM (GMT+7)
Những trận bóng phong trào đem lại niềm vui sau một ngày làm việc và học tập căng thẳng, nhưng nó tiềm ẩn nhiều rủi ro với những chấn thương và tai nạn bất ngờ.
Bình luận 0

Bóng đá là môn thể thao vua thu hút hàng triệu người Việt Nam tham gia tập luyện. Đáp ứng nhu cầu đó, hàng loạt sân cỏ nhân tạo ra đời để tín đồ túc cầu giáo được thoả niềm đam mê bóng tròn. Tuy nhiên, nhiều chấn thương do va chạm trong khi thi đấu hay do mặt sân xấu, dấy lên hồi chuông cảnh báo về những tai nạn trong bóng đá phủi.

Tai nạn từ sân cỏ thiếu an toàn

Tại TP.HCM, người chơi rất dễ dàng tìm đặt các sân bóng mini ở hầu hết các quận, huyện. Nhưng ít ai biết, phần lớn số sân bóng đá nhân tạo này đều không đạt chuẩn an toàn.

Đi đá bóng phong trào: Tưởng vui hoá buồn vì những chấn thương trên trời rơi xuống - Ảnh 1.

Các trận bóng đá phủi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Văn Xuân Thiện - một trong những người đi tiên phong trong việc làm sân cỏ nhân tạo ở TP.HCM, cho biết: "Một sân cỏ nhân tạo đúng chuẩn FIFA có rất nhiều tiêu chuẩn về lớp đá cấp phối, lớp vải địa kỹ thuật, lớp cát, lớp hạt nhựa cao su, và trên cùng là phần ngọn cỏ. Nếu căn cứ đúng chuẩn này, một sân cỏ nhân tạo đúng chuẩn châu Âu có thể tốn kém đến cả tỷ đồng.

Để có lợi nhuận, đa phần các sân cỏ nhân tạo ở Sài Gòn hiện tại chỉ sử dụng loại thảm cỏ của Trung Quốc, họ cũng bỏ bớt nhiều tiêu chuẩn khác, chi phí như vậy giảm chỉ còn khoảng 300 triệu đồng/sân".

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Trung tâm Thăng Long Sport, cho biết để đảm bảo an toàn, mặt sân cỏ nhân tạo phải rải một số lượng hạt cao su (nhằm giảm xóc khi chạy) nhất định. Con số lý tưởng là khoảng hơn 10kg/m2, nhưng hầu hết các sân cỏ nhân tạo ở Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 1,2kg hạt cao su cho mỗi m2.

Chất lượng sân không đảm bảo, cùng việc ít bảo dưỡng khiến các chấn thương dễ xảy ra. Khi mặt sân cỏ nhân tạo ít hạt cao su và cỏ bị xuống cấp, các cầu thủ dễ dàng gặp chấn thương. Khi mặt sân cứng, các cầu thủ phong trào thường bị đau khớp gối, lật sơ mi, nặng hơn là tổn thương dây chằng. Mỗi lần té ngã rất dễ trầy xước, tạo thành những vết thương hở lớn và nhựa cao su, cát sẽ làm nhiễm trùng vết thương.

Anh Thái Hải, ngụ quận 3, cho biết cách đây 5 năm anh từng dính một chấn thương mắt cá chân rất nặng, đến mức không thể vận động mạnh trong gần 3 tháng. Nguyên nhân do mặt sân cứng, nên pha dừng bóng đột ngột của anh bị lỗi khiến anh gặp chấn thương.

Đi đá bóng phong trào: Tưởng vui hoá buồn vì những chấn thương trên trời rơi xuống - Ảnh 2.

Hầu hết các cầu thủ phong trào không trang bị cho mình những kỹ năng bảo vệ bản thân khi va chạm dẫn đến chấn thương nặng.

Bên cạnh đó, trang thiết bị trong sân cũng là tác nhân gây tai nạn. Vào tháng 2/2023, một tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại sân bóng đá cỏ nhân tạo ở đường Tùng Thiện Vương (phường Vỹ Dạ, TP Huế). Trong lúc trận bóng đang diễn ra, khung sắt trên cầu môn ở sân bóng bất ngờ đổ xuống, đè trúng một nam sinh khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Đến bạo lực trên sân

Một vấn đề mà nhiều dân bóng đá phong trào lo ngại chính là bạo lực trên sân. Do bóng đá là môn đối kháng có va chạm mạnh, nên thường xảy ra nhiều tình huống xích mích. Nếu không giữ được bình tĩnh sẽ dẫn đến ẩu đả kéo theo nhiều hệ luỵ khó lường. 

Anh Đình Thảo ở Thủ Đức, cho biết anh rất sợ việc phải đá với người lạ. Đó là chuyện dễ hiểu, bởi không phải chỉ có sân phủi mới xảy ra những vụ loạn đả. Giữa "dân văn phòng", bầu không khí chơi bóng vui vẻ đôi lúc cũng bị đẩy lên đến mức căng thẳng, chỉ vì một vài cãi cọ không đáng.

Ở sân chơi chuyên nghiệp, chỉ cần một pha vào bóng thô bạo quá mức cũng đủ khiến cầu thủ lãnh án treo giò nhiều trận, đôi lúc sự nghiệp tiêu tan. Còn ở các trận bóng đá phủi, đá xấu, lãnh thẻ đỏ chỉ để... cho vui. Vài ngày sau anh này lại ra sân ở một giải phủi khác như chưa hề có chuyện gì. Đó là chuyện dễ hiểu, bởi các giải phủi không có sự hệ thống.

Đi đá bóng phong trào: Tưởng vui hoá buồn vì những chấn thương trên trời rơi xuống - Ảnh 3.

Với các trận bóng phong trào, việc không ràng buộc trách nhiệm nên các tình huống phạm lỗi, thô bạo thường xảy ra khi những "cái đầu nóng" không kìm chế được.

Như nhận xét của bác sĩ Võ Châu Duyên, trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), tiỷ lệ chấn thương nặng vì chơi thể thao chưa bao giờ cao như lúc này, ngang ngửa với chấn thương vì tai nạn. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những chấn thương nặng trong bóng đá, bác sĩ Duyên cho rằng chưa hẳn đã nằm ở lối chơi bạo lực.

"Nói chính xác thì những pha chơi bóng thô bạo là bước cuối cùng dẫn đến chấn thương nặng. Tôi nghĩ bước đầu tiên đến từ việc mọi người không có được sự chuẩn bị tốt nhất. Nhiều người ra sân mà khởi động quá sơ sài, hoặc chơi quá sức so với giới hạn của cơ thể. Từ đó họ rất dễ dính chấn thương nặng.

Bóng đá là trò chơi đối kháng tranh chấp quyết liệt, lại giàu cảm xúc. Một khi đã bị cuốn theo rồi thì rất khó chơi cẩn thận. Vì vậy, tôi khuyên mọi người nên khởi động thật kỹ trước khi ra sân, và những ai lâu ngày mới chơi trở lại thì nên ít di chuyển, hạn chế va chạm", bác sĩ Duyên nói.

Việc đá bóng để rèn luyện sức khoẻ và thoả niềm đam mê là mong muốn của mọi người. Như khi đến với bóng đá phủi, chúng ta chỉ nên là để vui chơi cùng đam mê, không nên máu ăn thua mà gây nên những sự cố đáng tiếc cho đối thủ cũng như bản thân. Cùng với đó, người chơi bóng đá phải biết cách bảo vệ sức khoẻ của bản thân để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra trên sân bóng phủi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem