Đạ Rsal thay áo mới

Thứ tư, ngày 04/04/2012 09:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đam Rông vốn đã là một huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng, Đạ Rsal lại là một xã nghèo của huyện này. Mọi việc chỉ thay đổi khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được “kéo” về đây.
Bình luận 0

Sức sống mới trên từng bản làng

Đến xã Đạ Rsal, trong những ngày đầu tháng Tư lịch sử, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của vùng đất này. Những con đường lầy lội vào mùa mưa, bụi mù vào mùa nắng nay được thay thế bằng những con đường bê tông, sạch sẽ.

img
Một góc bộ mặt nông thôn xã Đạ Rsal.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường ấy, già làng Nơm Y Biêng ở thôn Pang Pế Đơng, phấn khởi: “Con đường này có được nhờ Nhà nước xây cho chúng mình đấy. Thấy bảo làm nông thôn mới (NTM) người dân sẽ sung túc hơn, nên khi Nhà nước có chủ trương đầu tư xây dựng, 12 hộ dân trong thôn chúng tôi đã sẵn sàng góp đất, góp công để làm đường”. Riêng bản thân nhà ông Y Biêng đã hiến cả phần sân phơi cà phê của gia đình để “đón” đường đi qua.

Nghề chính của bà con ở Đạ Rsal là trồng cà phê, cũng từ khi có được con đường, hệ thống kênh mương thủy lợi, các hộ dân ở đây đã tích cực phát triển sản xuất hơn, việc lưu thông hàng hóa nhờ đó được thúc đẩy theo. Không chỉ được trang bị cho “chỗ” đi lại, để phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho người dân, xã Đạ Rsal cũng đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, buôn khá khang trang, trường học được kiên cố hóa để trẻ em có chỗ học hành ổn định.

Đường đến đích còn xa

Cho đến thời điểm này, việc triển khai xây dựng NTM ở Đạ Rsal mới dừng lại ở bước “chạy đà”. Theo đánh giá, lộ trình xây dựng NTM ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ dân trí còn thấp, năng lực đội ngũ cán bộ còn “bập bõm”, không đồng đều trong các lĩnh vực. Thậm chí ngay ở một xã nghèo như Đạ Rsal cũng xảy ra tình trạng chênh lệch khoảng cách thu nhập giữa các hộ dân với nhau. Người nông dân dẫu đã gắn bó với nghề trồng cà phê nhiều năm, nhưng vẫn chưa có tay nghề, nhất là về khâu thu hái, phơi sấy.

Sau gần 3 năm xây dựng NTM, xã Đạ Rsal đã hoàn thành 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới như quy hoạch, chợ nông thôn, bưu điện, giáo dục, y tế... Ngoài tiền hỗ trợ, xã đã huy động được nhân dân đóng góp 30 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn, 50 triệu đồng để xây dựng các công trình đường giao thông...

Ông Đỗ Hoàng Nhân- Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang tập trung để giải quyết từng khó khăn một, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tập trung xây dựng những công trình trọng điểm trên địa bàn xã”.

Một giải pháp đang được Đạ Rsal thực hiện, đó là chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại; phát triển nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tận dụng diện tích đồi núi để phát triển chăn nuôi như bò, heo, gà thả vườn, dê…

Ông Nhân cho biết: Kết quả bước đầu cho thấy, việc triển khai chuyển đổi cây con giống đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,7% năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 10,5 triệu đồng; 95% số hộ được dùng điện thắp sáng; gần 80% gia đình đạt gia đình văn hóa, 90% hộ được nghe đài, xem tivi; 100% trẻ em đủ tuổi được tới trường, các tệ nạn ma túy, mại dâm được đẩy lùi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem