Đa số đại biểu đề nghị giữ nguyên tên nước

Thứ ba, ngày 04/06/2013 08:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 3.6, thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đa phần các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với phương án không đổi tên nước. Tuy nhiên, không phải không có những ý kiến trái chiều...
Bình luận 0

Đổi tên nước: Mất nhiều hơn được

Đại biểu (ĐB) Trần Văn Tư của đoàn Đồng Nai khẳng định, tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự lựa chọn không phải ngẫu nhiên mà nó là kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc.

ĐB này cũng đưa ra một dẫn chứng khá thuyết phục: “Đối với Đồng Nai có hơn 700.000 ý kiến (góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - NV), nhưng chỉ có 1 ý kiến đề nghị đổi tên nước là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó chúng tôi cũng có trực tiếp phỏng vấn người có ý kiến này thì tâm tư tình cảm của người đó là muốn trở về với tên nước đầu tiên khi thành lập, chứ còn không có ý kiến gì khác”.

Ông Tư còn nhấn mạnh thêm: “Việc đổi tên nước hiện nay xét thấy cái không được nhiều hơn cái được. Bởi vì đổi tên nước không có cơ sở, không có căn cứ có thể sẽ đảo lộn, sẽ gây xáo trộn không cần thiết”.

img
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) phát biểu thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) khẳng định: Đặt vấn đề đổi tên nước là không phù hợp, bởi lẽ “tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa phù hợp với giai đoạn cách mạng trước 1945 ở nước ta. Đó là thời kỳ đất nước thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế đó đã được lịch sử kiểm nghiệm làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó và phát triển theo lôgíc bởi thể chế mới là chủ nghĩa xã hội”.

Là một trong số ít các ĐB cho rằng nên đổi tên nước, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) lập luận rằng: Tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa gắn với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên của nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2.9.1945 và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là Cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, phù hợp với điều kiện đất nước trong giai đoạn hiện nay mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta...

“Chúng ta đang triển khai cuộc vận động và học tập làm theo tấm gương Hồ Chí Minh. Cử tri nhận thấy tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bền vững theo thời gian và cho rằng nó rất thiêng liêng, làm niềm tin của mọi công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.” - ĐB Hà phân tích.

Kiểm soát quyền lực Nhà nước chặt chẽ

Băn khoăn “mấy nghìn năm lịch sử”

Trong quá trình thảo luận, nhiều ĐB đề nghị cần làm rõ hơn cụm từ “trải qua mấy nghìn năm lịch sử” trong Lời nói đầu của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng, cụm từ này đã có nhiều bàn luận, tranh cãi về tính xác thực của lịch sử. “Khi nói về lịch sử dân tộc trong Hiến pháp phải có cơ sở xác thực, minh chứng được”. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thì đề nghị bỏ luôn cụm từ nói trên vì nó không mang tính xác định: “Mấy nghìn năm lịch sử” cụ thể là bao nhiêu, không phải là mốc lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cần thể hiện trong Lời nói đầu, không mang văn phong của một đạo luật gốc”.

Góp ý vào Điều 2 của Hiến pháp về việc kiểm soát quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau, ĐB Trần Văn Tư (Đồng Nai) đồng tình với nội dung dự thảo là để bảo đảm cho quyền lực nhà nước, tránh độc đoán, chuyên quyền thì việc thống nhất vào Quốc hội là đúng. Thống nhất tất cả quyền lực thuộc về Quốc hội để kiểm tra, kiểm soát, bây giờ làm sao để kiểm soát lẫn nhau, chế ước lẫn nhau, tránh tình trạng độc quyền.

“Ngoài ra, cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát Quốc hội. Chính phủ kiểm sát, giám sát đến đâu, có kiến nghị tới đâu và Viện kiểm sát, Tòa án có kiến nghị tới đâu khi những vấn đề Quốc hội đưa ra, Quốc hội quyết định những vấn đề trái với hiến định” - ĐB Tư đặt vấn đề.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng băn khoăn: Nếu theo phương án 1, không có Hội đồng Bảo hiến, Hội đồng Hiến pháp thì làm sao phát hiện các hành vi vi hiến, trái pháp luật? Ông cho rằng, nếu như vậy thì đợt sửa đổi Hiến pháp lần này xem như chưa hoàn thành nhiệm vụ mà đồng bào, cử tri giao phó.

Ông Nhân đặt câu hỏi: “Ai sẽ báo cáo với đồng bào cử tri về quyền lực đã được giao thực thi thế nào? Ai sẽ đứng ra phân minh những vụ việc như đăng ký xe máy ở Hà Nội trước đây, quy định số đo vòng ngực của người điều khiển phương tiện giao thông, vụ việc thu hồi đất ở Tiên Lãng, việc cấp mẫu chứng minh thư nhân dân mới, phạt xe không chính chủ, phạt người đội mũ bảo hiểm giả...?”.

Và ĐB Nhân khẳng định: “Cần thiết có một thiết chế độc lập có quyền tài phán đủ mạnh thực chất, thực quyền, không chỉ là đơn thuần là việc rà soát xem xét chấp hành pháp luật nội bộ của người dân trong nước mà trên hết có quyền lên tiếng một cách chính danh, mạnh mẽ hơn về những hành vi vi phạm trắng trợn pháp luật Việt Nam đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa”... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem