Đề nghị giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thứ hai, ngày 20/05/2013 16:15 PM (GMT+7)
Dân Việt - Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định...
Bình luận 0

Trong chiều ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân cho biết: Đã có hơn 26.091.000 lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.

Tiếp thu, chỉnh lý những ý kiến đóng góp của nhân dân, xung quanh 2 phương án về đổi tên nước, tiếp thu của Ủy ban cho rằng: tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.

Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Cũng trong chiều ngày 20.5, Quốc hội cũng đã nghe các tờ trình về quyết toán ngân sách năm 2011, về dự thảo sửa đổi luật thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp .

Về sửa đổi điều 4, đa số nhân dân tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội dù vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau.

Xung quanh vấn đề này, nội dung tiếp thu của Ban soạn thảo cho rằng: Trước hết, cần khẳng định rằng, việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh.

Tuy có ý kiến đề nghị làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng. Về vấn đề này, tiếp thu của Ban soạn thảo nêu quan điểm: Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo thông qua Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng và chính sách, chủ trương lớn của mình...

Cách thức, nội dung lãnh đạo được thể hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng thời kỳ. Hơn nữa, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là vấn đề đang được tổng kết, nghiên cứu.

Xung quanh góp ý về nội dung sở hữu đất đai trong Hiến pháp sửa đổi, sau khi tiếp thu ý kiến, báo cáo cho biết có ý kiến cho rằng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là không rõ về chủ thể sở hữu. Về vấn đề này, Ban soạn thảo cho rằng: Vấn đề sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội.

Để làm rõ hơn nội dung này, Dự thảo đã xác định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai.

Thu hồi đất là vấn đề quan trọng, vừa liên quan đến quyền sở hữu toàn dân về đất đai, vừa liên quan đến quyền của người sử dụng đất.“Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”; nội dung cụ thể về điều kiện và thể thức thu hồi, bồi thường sẽ được xác định trong luật.

Về trường hợp thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban nhận thấy, đất đai là nguồn lực quan trọng cần được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Vì vậy, việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh việc thu hồi đất tràn lan, sẽ quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem