Đa số nền kinh tế ASEAN đi theo mô hình phục hồi chữ U,Việt Nam là ngoại lệ

Thứ ba, ngày 08/12/2020 12:12 PM (GMT+7)
Một dự báo mới đây của Maybank KimEng cho thấy triển vọng phục hồi hình chữ U cho đa số nền kinh tế ASEAN, riêng Việt Nam và Indonesia là ngoại lệ.
Bình luận 0

Một dự báo mới đây của TS Chua Hak Bin, chuyên gia phân tích từ Maybank KimEng cho thấy triển vọng phục hồi hình chữ U cho đa số nền kinh tế ASEAN, riêng Việt Nam và Indonesia là ngoại lệ.

Đa số nền kinh tế ASEAN đi theo mô hình phục hồi chữ U,Việt Nam là ngoại lệ - Ảnh 1.

Vaccine Covid-19 là yếu tố quan trọng hỗ trợ phục hồi kinh tế ASEAN. Ảnh minh hoạ

Đa số các nước ASEAN đi theo mô hình phục hồi chữ U, Việt Nam là ngoại lệ

Theo TS Chua Hak Bin, tăng trưởng GDP thực tế của 6 nền kinh tế lớn ASEAN (ASEAN 6) sẽ phục hồi lên 5,3% trong năm 2021 và 5% trong năm 2022 sau mức giảm tốc -3,8% trong năm nay.

Hầu hết các nền kinh tế ASEAN có xu hướng chứng kiến mô hình phục hồi chữ U hơn là chữ V, với GDP thực tế phục hồi về mức trước đại dịch vào đầu năm 2022. Riêng Việt Nam và Indonesia được dự báo là 2 trường hợp ngoại lệ có thể ghi nhận mô hình phục hồi chữ V.

TS Chua Hak Bin dự kiến các quốc gia ASEAN sẽ nới lỏng đáng kể loạt biện pháp đóng cửa và kiểm soát biên giới từ giữa năm 2021, khi vaccine Covid-19 được phân phối rộng rãi. Khác với những cuộc suy thoái kinh tế trước đây, tốc độ phục hồi GDP trong lần suy thoái này sẽ được thúc đẩy bởi khu vực dịch vụ hơn là sản xuất và xuất khẩu.

Đa số nền kinh tế ASEAN đi theo mô hình phục hồi chữ U,Việt Nam là ngoại lệ - Ảnh 2.

Dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát toàn phần 6 nền kinh tế ASEAN giai đoạn 2020-2022 của Maybank KimEng

Vaccine Covid-19 là yếu tố quan trọng hỗ trợ phục hồi kinh tế ASEAN

Tỷ lệ dân số có kháng thể Covid-19 trên toàn ASEAN dự kiến sẽ ở mức thấp, tức là cần phân phối vaccine đến ít nhất 65-70% dân số để đạt được miễn dịch bầy đàn. Trong khi đó, các đơn hàng đặt mua vaccine Covid-19 gần đây của ASEAN hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-45% dân số.

Ông Chua Hak Bin dự báo Singapore, Malaysia và Thái Lan sẽ đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn Covid-19 vào quý IV/2021, trong khi Indonesia, Philippines, Việt Nam đạt được miễn dịch bầy đàn muộn hơn, vào đầu năm 2022. 3 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar đạt miễn dịch bầy đàn muộn nhất, vào cuối năm 2022.

Đối với các thị trường nội địa lớn như Indonesia hay Philippines, vaccine Covid-19 là yếu tố tiên quyết giúp nới lỏng các biện pháp kiểm dịch và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đối với các nền kinh tế mở như Singapore hay Thái Lan vốn phụ thuộc vào các ngành dịch vụ du lịch, vaccine Covid-19 sẽ thúc đẩy lợi ích kinh tế lớn khi các biện pháp kiểm soát biên giới được nới lỏng.

Tiếp tục chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo

Cũng theo TS Chua Hak Bin, các Ngân hàng Trung ương ASEAN dự kiến sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với mức lãi suất thấp kỷ lục hiện tại, chỉ riêng Indonesia có khả năng cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Lạm phát khu vực có khả năng tăng nhẹ nhưng vẫn ở vùng an toàn và thấp hơn phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Trung ương. Dự báo lạm phát cho các nền kinh tế ASEAN 6 sẽ ở mức bình quân 2,1% trong năm 2021, tăng nhẹ từ mức 1,2% trong năm 2020.

Các chính phủ ASEAN nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ tài khóa và giãn nợ trong nửa đầu năm 2021, mặc dù các gói hỗ trợ có thể sẽ giảm dần tùy theo tình hình phục hồi của nền kinh tế.

Đa số nền kinh tế ASEAN đi theo mô hình phục hồi chữ U,Việt Nam là ngoại lệ - Ảnh 3.

Maybank KimEng dự báo lãi suất cơ bản và tỷ giá hối đoái 6 nền kinh tế ASEAN giai đoạn 2020-2022

8 xu hướng bình thường mới sau đại dịch

Nhà phân tích kinh tế từ Maybank KimEng chỉ ra 8 sự thay đổi cấu trúc sau đại dịch Covid-19 tại các nền kinh tế ASEAN bao gồm:

- Xu hướng số hóa và tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ;

- Tỷ lệ người lao động làm việc từ xa tăng;

- Tương lai ngành du lịch hàng không thay đổi khi các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt tiếp diễn;

- Xu hướng tự lực kinh tế;

- Xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc;

- Mở rộng hệ thống an sinh xã hội;

- Tăng cường vai trò của Chính phủ trong điều phối nền kinh tế;

- Ngân hàng Trung ương in tiền nhiều hơn tài trợ cho thâm hụt tài khóa.

4 rủi ro cho tăng trưởng kinh tế ASEAN

TS Chua Hak Bin đề cập đến 4 rủi ro lớn cho nền kinh tế ASEAN bao gồm:

- Nguy cơ quá trình triển khai phân phối vaccine Covid-19 bị trì hoãn do các vấn đề tính an toàn và chuỗi cung ứng;

- Chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang dưới thời chính quyền Biden;

- Gánh nặng nợ tăng nhanh do các chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo, thị trường lao động phục hồi yếu và các biện pháp kiểm soát biên giới kéo dài dẫn đến kinh tế trì trệ;

- Chấm dứt các hỗ trợ tài chính quá sớm.

Thu Dung (etime.danviet.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem