Đã thu hồi hơn 22 nghìn tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Đã thu hồi hơn 22 nghìn tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Nguyễn Hoà
Thứ hai, ngày 07/10/2024 10:32 AM (GMT+7)
Theo Bộ Tư pháp, cơ quan chức năng đã thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc với hơn 22.000 tỷ đồng.
Thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày
Sáng 7/10, thông tin từ Bộ Tư pháp, trong Quý III/2024, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đảm bảo tiến độ thực hiện đối với các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả quan trọng.
Theo đó, Bộ Tư pháp đã trình 3/3 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8; xây dựng Luật Thi hành án dân sự, đề nghị xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Từ ngày 22/6/2024 đến 23/9/2024, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 6 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và 48 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh nội dung thẩm định theo yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL, các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp tập trung có ý kiến về giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn về sản xuất - kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Theo Bộ Tư pháp, cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 22 nghìn tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Ảnh minh hoạ/Ndiep
Trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án "Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử"; ban hành nhiều văn bản quán triệt, đôn đốc địa phương trong việc triển khai số hoá sổ hộ tịch; phối hợp các cơ quan có liên quan hỗ trợ địa phương kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông điện tử liên quan đến khai sinh, khai tử theo đúng quy định.
Trong công tác trợ giúp pháp lý, trong Quý III, cả nước đã thụ lý 7.013 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng (trong đó: 4.931 vụ việc bào chữa, 2.082 vụ việc bảo vệ), có 5.035 vụ việc kết thúc (trong đó: 3.452 vụ việc bào chữa, 1.583 vụ việc bảo vệ). Số vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công là: 1.325 vụ việc (trong đó: 1.054 vụ việc bào chữa, 271 vụ việc bảo vệ).
Về hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) để triển khai thực hiện thí điểm trên toàn quốc từ ngày 01/10/2024 tới ngày 30/6/2025, trong đó rút ngắn thời gian cấp Phiếu LLTP (từ 10 ngày xuống còn 03 ngày trong trường hợp thông thường, từ 15 ngày xuống còn 09 ngày trong trường hợp cần xác minh); phối hợp hướng dẫn địa phương để kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh/thành phố với Ứng dụng VNeID và Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.
Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, trong đó, có 48/63 tỉnh/thành phố đã thử nghiệm thành công về kỹ thuật, trong đó có 05 địa phương đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên Ứng dụng định danh quốc gia VNeID, các tỉnh đã thử nghiệm thành công còn lại đang thực hiện kiểm thử toàn trình, chuẩn bị đánh giá an toàn thông tin…
Thu hồi hơn 22 nghìn tỷ đồng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
Đặc biệt, ngày 02/10/2024, Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc.
Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, giảm thiểu thời gian, chi phí và giấy tờ không cần thiết, đồng thời tăng cường tính minh bạch và an toàn thông tin.
Công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, kết quả THADS về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, qua bước đầu thống kê từ kết quả thi hành án của các địa phương cho thấy, đã thi hành xong hơn 621.568 việc, tăng 45.901 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 83,86% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,61% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao trên 83,25%.
Về tiền, thi hành xong 117.349 tỷ 257 triệu 059 nghìn đồng, tăng 27.843 tỷ 730 triệu 309 nghìn đồng (tăng 31,11%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 51,46% (tăng 5,01%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,01% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao trên 46,45%.
Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc với hơn 22.000 tỷ đồng.
Về kết quả thi hành án hành chính, trong 12 tháng năm 2024, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.973 bản án, tăng 599 bản án so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 73.7%). Số bản án Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC là 652 bản án.
Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định (tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023); số bản án bị hủy, hoãn, tạm đình chỉ thi hành: 11 bản án; số bản án đang tiếp tục thi hành: 1.066 bản án, chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2023 và năm 2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.