Diễn đàn Du lịch Quốc gia tạo tiền đề giúp ngành du lịch chuyển mình thành nền kinh tế xanh

Thanh Tùng Thứ sáu, ngày 01/04/2022 14:46 PM (GMT+7)
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch tổ chức diễn đàn “Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới”
Bình luận 0

Diễn đàn Du lịch Quốc gia tạo tiền đề xanh cho nền kinh tế du lịch

Hưởng ứng sự kiện mở cửa du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức diễn đàn Du lịch Quốc gia: “Phục hồi du lịch Việt Nam – Định hướng mới, hành động mới trong buổi sáng ngày 1/4. Tham dự sự kiện có sự góp mặt của ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ VHTTDL, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch và đông đảo đại biểu, khác mời quan tâm sự kiện.

Diễn đàn Du lịch Quốc gia tạo tiền đề giúp ngành du lịch chuyển mình thành nền kinh tế xanh - Ảnh 1.

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn Du lịch Quốc gia. Ảnh: Thanh Tùng.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho hay, giống như việc phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch, phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành du lịch, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực đòi hỏi nỗ lực, thời gian cũng như sự đầu tư của toàn ngành.

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá: “Đại dịch Covid – 19 như một cơn ác mộng với toàn thế giới trong hai năm qua. Hàng loạt ngành kinh tế trong đó có du lịch, hàng không bị tê liệt trong một thời gian dài, thiệt hại của Du lịch Việt Nam trong 2 năm qua đã đẩy lùi ngành kinh tế năng động, phát triển mạnh mẽ trước đây lùi lại hàng chục năm.

Là một ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động du lịch liên quan đến nhiều ngành kinh tế và nhiều địa phương trong cả nước. Khi du lịch đóng cửa đã kéo theo nhiều ngành nghề có liên quan, nhiều địa phương là điểm đến du lịch cũng không hoạt động. Do vậy, khôi phục nhanh ngành du lịch không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành Du lịch.

Sau thời gian dài tê liệt, không hoạt động, các doanh nghiệp, xương sống của ngành kinh tế du lịch sẽ không dễ dàng phục hồi được. Những thiệt hại to lớn từ dịch bệnh Covid – 19  sẽ mang lại các bài học gì cho ngành Du lịch? Ngành Du lịch làm gì để phục hồi và phát triển, trở thành ngành kinh tế xanh và từng bước chuyển thành ngành kinh tế số? Bài học từ những thành tựu to lớn của Du lịch trong giai đoạn 2017 -2019 sẽ có thể áp dụng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch không? Và cuối cùng kỳ vọng của Đảng, của cả xã hội với ngành Du lịch sẽ được các doanh nghiệp triển khai ra sao?

Những nội dung đó cho thấy để phục hồi và phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Du lịch phải chuyển đổi rất nhiều từ tư duy đến hành động. Đó là một công việc rất khó khăn phức tạp mà cả ngành nỗ lực cố gắng và khắc phục trong tương lai.

Chia sẻ về cơ chế hỗ trợ, tạo sức bật cho doanh nghiệp du lịch, ông Vũ Thế Bình cho rằng: "Sau thời gian hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc khôi phục toàn ngành trong thời gian tới là điều vô cùng cần thiết. Tại diễn đàn Du lịch Quốc gia năm nay, chúng ta đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của những chuyên gia đầu ngành trong tiến trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi như hỗ trợ giảm thuế, tăng thêm chính sách ưu đãi, chính sách cấp, miễn cấp visa... Đây là đều là những chính sách phù hợp, thực tế và đúng với mong mỏi của doanh nghiệp.

Hiện nay, những thủ tục chồng chéo trong quy định đón khách chính là cản trở trong tiến trình đón khách du lịch vào Việt Nam. Do đó, những thảo luận tại hội nghị hôm nay mang tính cấp bách và vô cùng cần thiết. Tôi cho rằng sự phục hồi của toàn ngành du lịch chính là cơ sở và tiền đề thực tiễn trong hoạt động khôi phục du lịch, từ đó kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành kinh tế khác trong tương lai.

Chia sẻ về chính sách hành động mới của diễn đàn du lịch quốc gia, ông Vũ Thế Bình cho rằng: "Chúng ta đã nêu ra nhiều giải pháp, chính sách, kế hoạch trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi cần quan tâm là cần phải hành động. Do đó, chúng ta phải thực hiện những hành động đổi mới, quyết liệt, mạnh mẽ để vực dậy ngành du lịch. Quá trình đổi mới này phải được thực hiện trong cả hành động và tư duy. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải làm mới đồng bộ những vấn đề về lữ hành, khách sạn, nhân lực, điểm đến... Từ đó, phải hành động thật nhanh, kiên quyết và cụ thể nhằm đạt được mục tiêu đề ra".

Đánh giá về nguồn nhân lực của ngành trong thời điểm hiện nay, ông Vũ Thế Bình cho rằng đây là vấn đề cấp thiết của ngành. Bởi lẽ sau hai năm dịch bệnh, hơn 70% nguồn lao động của ngành đã không còn hoạt động. Do đó, các doanh nghiệp muốn phục hồi cần phải bổ sung nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần quá lo lắng, bởi lẽ du lịch cần có thời gian phục hồi. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch sẽ có thời gian phục hồi, chuẩn bị và bổ sung nguồn nhân lực lao động trong thời gian tới.

Cũng theo ông Vũ Thế Bình, hiện nay nhu cầu du lịch của du khách đã thay đổi sau mùa dịch. Trong xu thế mới, du khách có xu hướng tham gia các  hoạt động du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch có chiều sâu với mong muốn trải nghiệm du lịch sinh thái, cộng đồng. Có thể thấy rằng hiện nay, khi đại dịch còn chưa kết thúc nhưng các điểm du lịch cộng động cùng là nơi thu hút đông đảo du khách. Đây là lợi thế lớn giúp chúng ta phát triển và phục hồi du lịch chung của ngành trong thời gian tới. 

Cơ chế, chính sách ưu đãi là cơ sở tiền đề để ngành du lịch phục hồi trong tương lai không xa

Chia sẻ đóng góp của mình tại Diễn đàn Du lịch Quốc, bà Nguyễn Thị Cúc Nguyên phó Tổng cục trưởng- Tổng cục thuế cho rằng: “Du lịch, là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp không chỉ đối với nước ta mà cả trên phạm vi toàn cầu. Kinh tế du lịch ngày càng phát triển và trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến. 

Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu thì nhu cầu đi du lịch, thăm thú những danh lam thắng cảnh, tìm hiểu nền văn hóa, nghệ thuật của các quốc gia, vùng lãnh thổ càng phát triển. Ngay tại Việt nam khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên, đời sống người dân dần được cải thiện thì nhu cầu du dịch cũng tăng theo.

Diễn đàn Du lịch Quốc gia tạo tiền đề giúp ngành du lịch chuyển mình thành nền kinh tế xanh - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Cúc Nguyên phó Tổng cục trưởng- Tổng cục thuế chia sẻ tham luận tại diễn đàn Du lịch Quốc gia. Ảnh: Thanh Tùng.

Do đó, để ngành sớm phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai thì việc đánh giá thực trạng chính sách tài chính, thuế hiện hành, bao gồm các gói giải pháp về gia hạn, miễn giảm thuế, phí... 

Trong hai năm qua, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành du lịch. Nhờ đó, các giải pháp, cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính, thuế nhằm khuyến khích, khích lệ doanh nghiệp du lịch vượt khó, phục hồi và phát triển đã được thực thi và mang lại hiệu quả. 

Đây sẽ tiếp tục là cơ sở tiền đề giúp các địa phương, doanh nghiệp và ngành du lịch từng bước tháo gỡ khó khăn và phục hồi sau ngày mở cửa du lịch.”

Diễn đàn Du lịch Quốc gia tạo tiền đề giúp ngành du lịch chuyển mình thành nền kinh tế xanh - Ảnh 3.

Khối sinh viên Du lịch trường Đại học Văn hóa hào hứng tham dự diễn đàn Du lịch Quốc gia. Ảnh: Thanh Tùng.

Bên cạnh những chính sách ưu đãi và giảm thuế, việc tiếp cận Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cũng là giải pháp cứu cánh giúp các doanh nghiệp, đơn vị du lịch tận dụng và khai thác. 

Theo chia sẻ của ông Lê Tuấn Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Phát triển Du lịch cho biết: “Quỹ hỗ trợ du lịch được ra đời với sứ mệnh giúp đỡ và phát triển du lịch Việt Nam. Quỹ có thể huy động các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nhằm tăng cường xã hội hóa nguồn lực phục vụ xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch.

Tại sự kiện Diễn đàn Du lịch Quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, triển khai các nhiệm vụ theo định hướng của Chính phủ và Bộ VHTTDL. 

Theo đó Quỹ sẽ tiến các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam hướng đến thị trường trong và ngoài nước nhằm khôi phục thị trường quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa.

Diễn đàn Du lịch Quốc gia tạo tiền đề giúp ngành du lịch chuyển mình thành nền kinh tế xanh - Ảnh 4.

Đại diện Bộ VHTTDL, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tổng cục Du lịch... thảo luận kế hoạch phát triển ngành trong tương lai. Ảnh: Thanh Tùng.

Đồng thời quỹ cũng tiến hành cứu thị trường, đánh giá các xu hướng mới sau đại dịch Covid-19, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới của khách du lịch. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, khôi phục lại lực lượng lao động du lịch đã chuyển dịch sang các ngành nghề khác. 

Hỗ trợ phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch trên cơ sở liên kết các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp...Đẩy mạnh truyền thông du lịch trong cộng đồng, hỗ trợ các địa bàn khó khăn có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem