Với mong muốn quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đúng ngày 30.4 hằng năm khi những bao lúa đã chất đầy kho, người dân làng Rbai (xã la Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) lại tổ chức “lễ cúng cầu mưa”. Đây không chỉ là lễ nghi nông nghiệp đơn thuần mà đã trở thành một phong tục, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào J’rai.
Chuẩn bị lễ vật để dâng lên các vị thần trong "lễ cúng cầu mưa" của người J'rai.
Già làng Ksor Net (làng Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho biết, trong truyền thuyết của người J’rai cũng nhắc đến các vị Pơtao Apui (Vua Lửa) đã dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi sắp vào mùa vụ hoặc đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán mất mùa.
Bên cạnh đó, trong tâm niệm của người J’rai, nếu làm phật lòng các vị thần thánh thì sẽ không ban tặng nước mưa, khiến bệnh tật xuất hiện, đói rét triền miên. Chính vì vậy, hàng năm người dân nơi đây duy trì tổ chức lễ cầu mưa với ước mong cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, cây cối xanh tươi, thóc lúa đầy bồ.
Thầy cúng Ksor Lol đang khấn, cầu Giàng ban cho dân làng mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Cũng theo già làng Ksor Net, một trong những lễ vật không thể thiếu là 7 ghè rượu được lấy từ nguồn nước sông Ayun để dâng lên thần thánh. 7 ghè rượu này tượng trưng cho 7 người đầu tiên lập ra ngôi làng Rbai.
Cụ thể, sau khi phụ tá cắm chiếc cần rượu cúng, thầy cúng lạy 3 lạy chào thần linh rồi từ từ rót nước vào ché rượu. Vừa khấn, thầy cúng vừa lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá cùng về dự lễ hội. Sau đó lấy thịt ném 3 lần về phía trước, mỗi lần ném là một lần thầy cúng đọc một điều cầu xin may mắn cho dân làng. Tiếp theo, thầy cúng rót rượu thịt vào một cái tô đồng đến đổ vào mộ của các Ptao đã chết, nói nguyên nhân thực hiện nghi lễ và cầu xin các Ptao đã chết phù hộ cho những lời khấn cầu thành hiện thực, trời sẽ đem mưa đến.
Thầy cúng đang rót đầy những vò rượu ghè để cầu cho một mùa màng bội thu.
Sau đó, thầy cúng quay lại uống rượu, chiêng trống nổi lên, người phụ tá từ từ đứng dậy, làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để đưa lời khấn đến tai thần linh. Cuối cùng, thầy cúng lấy nước vẩy ra xung quanh và kết thúc nghi lễ cúng cầu mưa. Làm lễ xong, tất cả thanh niên trai tráng trong làng đi chân trần vào uống mỗi chum rượu cần một ít.
Kết thúc lễ cúng những thanh niên trong làng "đua nhau" uống rượu ghè với mong muốn uống càng nhiều thì thóc càng nhiều.
Được biết, “lễ cúng cầu mưa” của Yang Pơtao Apui (vua lửa) đã được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia ngày 8.6.2015. Vậy nên nghi lễ này rất được chính quyền địa phương hỗ trợ nhằm lưu giữ, bảo tồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.