Đặc sản Lai Châu: Top những món ăn, nghe tên là mê, ăn vào ngọt, thơm mềm môi
Ẩm thực Lai Châu: Ngon hết nấc với vị ngọt, thơm từ những món ăn đặc sản này
Hoàng Quyên (tổng hợp)
Thứ năm, ngày 28/09/2023 13:54 PM (GMT+7)
Lai Châu được biết đến với nhiều món ăn đặc sản như: cá bống vùi tro, lam nhọ, nộm hoa ban… đã được rất nhiều du khách đến vùng núi rừng Tây Bắc thích và ấn tượng bởi cách chế biến và tên gọi của các món.
Lai Châu vùng đất nơi địa đầu tổ quốc với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Thái, Tày, Nùng, Lự, Mảng, Kháng, Kinh… Chính điều này đã mang lại cho Lai Châu sự phong phú đa dạng về văn hóa, bởi vậy đến với vùng đất này, bạn không chỉ được đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được hòa mình vào các hoạt động văn hóa đa dạng đặc sắc của các dân tộc và thưởng thức các món ăn ở Lai Châu, đây là một trong những nét ẩm thực đặc trưng của Lai Châu.
Ở Lai Châu có một món đặc sản, đó là món canh tiết lá đắng. Du khách khi đến đây, thưởng thức món ăn này sẽ cảm nhận được nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của vùng đất này.
Theo người dân địa phương, lá đắng còn được gọi là lá mật vịt, trước kia, khi món ăn này chưa phổ biến, để tìm được lá đắng về làm canh không phải đơn giản, bởi thứ cây này chỉ mọc ở nơi ven rừng, khe suối. Thường thì chỉ khi có khách quý, chủ nhà mới đi lên rừng tìm lá về nấu canh như một sự thể hiện lòng thân tình, mến khách. Bây giờ, bà con vùng này đã mang cây về trồng tại vườn nhà, trên nương, trên rẫy, nên lá đắng đã không còn hiếm.
Nguyên liệu và cách nấu canh lá đắng cũng thật đơn giản. Chỉ cần ít phổi lợn băm nhỏ, một miếng tiết và vài thứ rau thơm cùng với nắm lá đắng (có thể lá tươi hoặc đã phơi khô) vò nát, sau đó đun nước sôi cho tất cả nguyên liệu vào nấu chín kỹ là bạn đã có một bát canh lá đắng thơm ngon để thưởng thức.
Canh tiết lá đắng thưởng thức ngon nhất vào tiết trời mát mẻ, mùa đông, bát canh tiết lá đắng nóng hổi, thơm nồng ngon ngọt của các loại gia vị đặc trưng dân tộc tạo nên một món ăn khiến cho không du khách nào cưỡng lại được khi đặt chân đến Lai Châu.
Đặc sản Lai Châu: Cá bống vùi tro
Nếu có dịp đến với huyện Phong Thổ, du khách chớ bỏ qua món cá bống vùi tro - đặc sản của đồng bào dân tộc Thái. Cá bống có sẵn ở các con sông, suối, sau khi bắt về được sơ chế sạch sẽ và tẩm ướp với các gia vị đã được băm nhỏ như sả, ớt, gừng, hạt tiêu, mắc khén, húng, hom… Sau khi ướp khoảng 15 - 30 phút, cá sẽ được gói gọn trong lá dong và vùi vào tro nóng, khoảng 30 phút lại lật lại một lần, cứ như thế vài lần cá sẽ chín.
Đặc sản Lai Châu: Lam nhọ
Lam nhọ được xem là đặc sản độc đáo bậc nhất ở Lai Châu. Món ăn có cái tên khó hiểu còn khiến người ta thích thú bởi cách chế biến và hương vị vô cùng độc đáo. Trong tiếng Thái, "lam" là nướng, "nhọ" là nhừ. Lam nhọ nghĩa là "nướng (đến chín) nhừ".
Lam nhọ được chế biến rất cầu kỳ ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Theo người dân địa phương, để có được lam nhọ ngon, đầu tiên là chọn những miếng thịt trâu hoặc thịt bò tươi ngon nhất để nguyên cả tảng. Sau đó, thay vì rửa bằng nước lạnh, người Thái dùng khăn sạch thấm khô máu để tránh vi khuẩn xâm nhập và giữ cho miếng thịt được thơm ngon.
Miếng thịt sau khi được làm sạch sẽ được mang nướng trên than hồng. Khi thịt chín, dùng dao sắc thái ngang thớ thật mỏng rồi trộn đều với các gia vị đặc trưng của vùng cao như gừng, tỏi, ớt, mắc khén..., có thể thêm một vài loại rau củ như quả cà rừng,…
Cách làm tưởng chừng đơn giản nhưng công đoạn ướp gia vị lại khá cầu kỳ và tốn thời gian. Sau thời gian tẩm ướp, thấm gia vị, thịt và rau củ sẽ được cho vào ống tre, tiếp tục nướng để các nguyên liệu mới thêm cùng chín đều. Khi các thớ thịt bắt đầu săn lại, người ta sẽ lấy thịt ra, dùng đũa dằm tơi rồi bỏ lại vào ống tre, nướng lần cuối cùng cho món Lam nhọ được chín nhừ.
Sau khi hoàn thành, món ăn có sự kết dính rất đặc biệt. Lam nhọ ăn có vị ngọt đậm, thịt mềm nhừ, kết dính với nhau, thực khách phải dùng đũa để xắn ra từng miếng.
Theo người Thái, Pa pỉnh tộp tức là cá gập nướng. Đây là món ăn khá cầu kỳ, thường được dùng trong các bữa ăn khi gia đình có khách quý. Người ta chọn những con cá chép hoặc cá rô phi tươi, còn nguyên con để nướng. Sau khi xát qua chút muối cùng ớt bột khô để khử mùi tanh cho cá, người làm tẩm ướp gia vị là các loại rau thơm như quả mắc khén (một loại hạt tiêu rừng), gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng, ớt bột... băm nhỏ, trộn lẫn với nhau và sát đều lên mình, đồng thời nhồi vào trong bụng cá.
Người Thái sẽ gấp đôi mình con cá theo chiều ngang, kẹp vỉ hoặc que nướng bằng tre tươi để giữ và nướng đều trên bếp than hoa. Khi cá chín, những gia vị được tẩm ướp và kẹp trong bụng cá sẽ thấm dần, giúp món ăn tỏa mùi thơm hấp dẫn.
Đặc sản Lai Châu: Lợn cắp nách
Lợn cắp nách là loại lợn đặc sản của vùng cao Tây Bắc. Giống lợn này được bà con dân tộc thả rông trong rừng, tự đi kiếm ăn nên mỗi con chỉ nặng chừng 10 - 15 kg. Do ăn các loại lá cây, rau cỏ trong rừng nên thịt của chúng rất chắc và thơm ngon. Lợn cắp nách được chế biến thành nhiều món ngon như hấp, nướng, nấu giả cầy, hầm, nấu canh… Món nào cũng được tẩm ướp và nấu cùng các loại lá, hạt mang phong vị núi rừng, mang lại cảm giác lạ miệng, đặc biệt cho du khách lần đầu thưởng thức.
Đặc sản Lai Châu: Xôi tím
Xôi tím được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, Dáy… làm với những bí quyết riêng. Từ những hạt gạo nếp nương thơm dẻo, hạt to đều không lẫn tẻ, hương thơm ngọt, đem vo sạch rồi ngâm trong nước lã từ 6 – 8 giờ. Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là Khẩu cắm (loại cây này chỉ có ở miền núi).
Cây Khẩu cắm bẻ cả cành, lá rửa sạch, đem luộc. Luộc lá sôi chừng năm phút, khi thấy nước chuyển sang màu tím, sánh là được. Để nước lá nguội bớt rồi chút gạo nếp vào ngâm thêm 2 đến 3 giờ. Đồ xôi tím phải đồ bằng chõ gỗ được đục từ thân cây sung, lửa củi mới có được mùi vị thơm ngon hơn cả. Đồ đến khi hạt gạo chín nục, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi. Ngoài hương vị thơm ngon, ngậy mà không ngán, xôi tím còn hấp dẫn bởi màu sắc và chất của loại lá cây rừng.
Đặc sản Lai Châu: Măng nộm hoa ban
Nếu du khách đã có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ không chỉ biết đến một truyền thuyết đầy cảm động về Hoa Ban – Măng Đắng mà còn được thưởng thức một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi của món Măng nộm hoa ban.
Măng có rất nhiều loại, loại nào cũng dùng làm nộm được nhưng ngon nhất thì có măng nứa và măng đắng. Măng đắng cần sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo, còn nếu là măng nứa đem luộc rồi tước nhỏ. Hoa ban cần chọn những bông tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng.
Tiếp theo cần chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, đem nướng trên than củi, gỡ lấy thịt. Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hoà quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, gắp từng miếng nộm du khách cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và vị đăng đắng của măng tươi.
Đặc sản Lai Châu: Khâu nhục
Khâu nhục là món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc Tây Bắc. Theo người dân nơi đây, món khâu nhục bắt nguồn từ Trung Hoa nhưng cùng với thời gian và đặc biệt là sự "Biến tấu" cho phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Nùng, món khâu nhục đã mang được nét độc đáo rất riêng. Về cơ bản khâu nhục là hầm cách thủy thịt ba chỉ trong thời gian dài, nhưng cách chế biến khá phức tạp và nhiều công đoạn.
Khâu nhục thường được làm vào những dịp lễ tết, hiếu hỉ, ma chay,…tuy nhiên ngày nay, món này trở thành đặc sản và là món ăn thường xuyên được nấu tại các điểm đến, dành cho khách du lịch thưởng thức.
Để làm món khâu nhục được ngon cách chế biến cũng rất quan trọng. Đặc biệt với món này, cách chế biến còn khá cầu kỳ với nhiều nguyên liệu khác nhau. Vì thế nó không phù hợp với những người bận rộn vì cần sự trau chuốt, chỉn chu và tỉ mỉ trong từng khâu. Món khâu nhục có khi nấu đến nửa ngày mới hoàn thành.
Trước tiên, làm sạch miếng thịt ba chỉ để loại bỏ mùi hôi của thịt, thái thành hình vuông và luộc kỹ. Thêm vào vài lát gừng để tạo mùi thơm cho thịt. Khi thịt chín thì vớt ra để ráo và cạo lại bì sạch sẽ. Dùng kim nhọn chọc vào phần bì để mở chảy ra bớt, khi ăn sẽ không bị ngấy. Lau sạch lại lớp bì, thấm một lược rồi dùng rượu trắng thoa đều xung quanh.
Sau đó luộc thịt đến khi chín thì vớt cho ra tô nước lạnh, đá để thịt được săn chắc. Tiếp đến bật chảo cho ba chỉ vào cho tới khi thịt chín vàng, Cắt nhỏ thịt thành những miếng dày khoảng 2cm, mỗi bát chia đều 8 miếng. Sau đó tắm ướp gia vị như tương đen, húng lìu, ngũ vị hương, dấm, ớt, tỏi, địa liền, hạt tiêu, bột ngọt, rượu, muối, khoai môn,…. Và mang đi hấp cách thuỷ từ 3 đến 5 tiếng cho mềm thịt mềm nhừ.
Du khách khi thưởng thức miếng thịt cảm nhận mềm như, tan trong miệng, mang hương vị đậm đà, hòa quyện, thơm ngon khó quên.
Đặc sản Lai Châu: Bánh dày người Mông
Người Mông thường làm bánh dày vào dịp tết và các lễ hội. Dâng lên bàn thờ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính của mình, với ước mong các đấng linh thiêng phù hộ cho đôi chân to khỏe, để có thể vượt núi, chèo đèo, phát nương làm rẫy.
Phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khi thưởng thức người ta cắt thành từng lát bánh, sau đó đem dán bằng mỡ lợn. Chiếc bánh được dán phồng lên, cũng là lúc mùi thơm của gạo nếp nương, hòa quyện mùi thơm dịu của trứng gà, mùi ngậy béo của mỡ lợn lan tảo khắp gian bếp nhỏ, tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Đặc sản Lai Châu: Nộm rau dớn
Nộm rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái ở Lai Châu. Rau dớn người Thái gọi là "pắc cút", loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Loại cây này chỉ mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm cao.
Để làm được món nộm rau dớn vừa ngon, vừa mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, người ta thường chỉ hái những ngọn rau dớn cong non, là bánh tẻ, sau đó rửa sạch, phơi nắng cho tái. Tiếp đó cho rau dớn vào chõ xôi bằng gỗ để đồ, sau khoảng thời gian 20 phút. Để rau chín và giữ được màu xanh.
Ở công đoạn này, nhất thiết rau dớn phải đồ chứ không nên luộc để giữ vị bùi bùi, ngọt ngọt của món nộm. Khi rau đã đồ chín, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.