Đặc san Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam - "cẩm nang" quan trọng, bao trùm chuỗi giá trị ngành chăn nuôi

Minh Huệ (thực hiện) Thứ năm, ngày 06/06/2024 18:16 PM (GMT+7)
Chăn nuôi là ngành chiếm hơn 26% giá trị sản xuất nông nghiệp, do đó cuốn đặc san "Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam" ra đời là sự đóng góp một cái nhìn tổng thể về quá trình phát triển của ngành nói riêng, qua đó thấy được bức tranh tổng thể của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Bình luận 0

Bộ 3 cuốn sách đặc san: Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam, Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam, Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến làm Chủ tịch Hội đồng biên tập. Đơn vị thực hiện: Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) tổ chức thực hiện, xuất bản đã chính thức được ra mắt.

Nhân dịp này, Báo NTNN đã có cuộc trò chuyện với TS. Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Ủy viên Hội đồng Biên tập cuốn "Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam".

Đặc san Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam - "cẩm nang" quan trọng, bao trùm chuỗi giá trị ngành chăn nuôi- Ảnh 1.

TS. Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Ủy viên Hội đồng Biên tập cuốn "Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam".

Với tư cách là thành viên Hội đồng biên tập, ông có đánh giá như thế nào về ý nghĩa của cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam đối với lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung?

- Chúng tôi đánh giá rất cao việc Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN cùng các đơn vị thuộc Bộ xây dựng và xuất bản 3 cuốn sách liên quan đến 3 lĩnh vực khác nhau: Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam; Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam; Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam. 

Quá trình thực hiện các cuốn đặc san này, Cục Chăn nuôi đã thường xuyên cùng Báo NTNN trao đổi, phối hợp chặt chẽ, thống nhất cao về nội dung cũng như cách trình bày, nhờ đó đã hoàn thành cuốn đặc san có nhiều ý nghĩa. 

Thứ nhất, đây là cuốn cẩm nang quan trọng giúp các nhà làm chính sách, quản lý trong ngành chăn nuôi nhìn lại một quãng đường dài phát triển với những mốc lịch sử phát triển quan trọng của ngành. Thông qua đó, giữa các thế hệ lãnh đạo, những người đang làm trong ngành chăn nuôi có thể nhìn lại một cách dễ dàng, toàn diện chặng đường phát triển, từ đó có định hướng để khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế.

Thứ hai, cuốn đặc san ban hành cũng là thông tin chính thống của cơ quan quản lý nhà nước, giúp độc giả, cán bộ ngành chăn nuôi, những người làm công tác giảng dạy, nhà khoa học, hay các viện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi có thêm một kênh đặc biệt để tra cứu, tham khảo, trích dẫn phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách...

Thứ ba, chăn nuôi là ngành chiếm hơn 26% giá trị sản xuất nông nghiệp, do đó cuốn đặc san ra đời có thể xem là một sự đóng góp cho Đảng, Nhà nước một cái nhìn tổng thể về quá trình phát triển của ngành nông nghiệp nói chung, với 3 trụ đỡ quan trọng là chăn nuôi, thú y, thủy sản, qua đó thấy được bức tranh tổng thể của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. 

Đặc san Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam - "cẩm nang" quan trọng, bao trùm chuỗi giá trị ngành chăn nuôi- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo Cục Chăn nuôi giới thiệu đặc san "Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam" tại Triển lãm quốc tế ILDEX 2024 vừa được tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Hà Ngân

Cuốn "Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam" có độ dày 420 trang với sự tham gia của rất nhiều tác giả là những người làm công tác quản lý, chuyên gia, nhà báo và cả doanh nghiệp. Điều này giúp cuốn đặc san này khác biệt như thế nào so với đặc san chuyên ngành, thưa ông?

- Cuốn đặc san phản ánh thông tin, số liệu rất đa dạng, với nhiều nguồn tư liệu khác nhau từ các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo hay các doanh nghiệp…, do đó góc nhìn rất đa dạng. Tuy nhiên, sự đa dạng đó vẫn mang tính thống nhất, vì trong quá trình xây dựng cuốn sách, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị của Cục Chăn nuôi tham gia từ khâu lập đề cương nhằm tạo ra khung cho cuốn sách, từ đó tạo sự thống nhất trong đa dạng. Đó là sự đặc biệt của cuốn sách so với các tạp chí, đặc san chuyên ngành.

Thứ hai, đứng về góc độ phạm vi, tôi nhận thấy cuốn sách có độ phủ rất rộng, bao gồm tất cả công đoạn trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi. 

Thứ ba, cuốn sách là sự phối hợp rất chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài Bộ, đặc biệt là Báo NTNN khi có nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên, họa sĩ cùng tham gia. Giữa quan điểm của nhà chuyên môn với nhà báo vẫn có sự thống nhất cao trong quá trình làm việc, nhờ đó phản ánh được một kết quả, đó là dù ở cương vị chuyên môn khác nhau, cái nhìn khác nhau nhưng đã tạo ra một cuốn sách chất lượng, đúng với ý nghĩa "toàn cảnh" ngành chăn nuôi.

Đặc san Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam - "cẩm nang" quan trọng, bao trùm chuỗi giá trị ngành chăn nuôi- Ảnh 3.

Đặc san "Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam" được kết cấu thành 5 chương, dày hơn 420 trang. Ảnh: Tố Loan

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến hiệu quả, chất lượng, bền vững và xanh hơn, vậy thì trong quá trình biên soạn cuốn sách, hẳn ông đã nhận thấy những nhiệm vụ mới đặt ra đối với ngành chăn nuôi?

- Qua cuốn sách chúng ta nhìn thấy được cả chặng đường dài hơn 70 năm phát triển của ngành chăn nuôi với rất nhiều thành tựu, điểm sáng, song chúng ta cũng nhìn rõ được cả những điểm yếu, tồn tại cần khắc phục, tìm hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và thế giới.

Ngành chăn nuôi cần có sự chuyển dịch rất lớn. Ví dụ trước đây, chúng ta coi việc phát triển đầu con là tiêu chí đánh giá, nhưng bây giờ đầu con không phải là tiêu chí phù hợp để thống kê nữa, mà phải xem trong 1 năm, chúng ta sản xuất được bao nhiêu sản phẩm cuối cùng?

Chúng ta phải bước thêm một bước nữa, là tạo ra bao nhiêu giá trị gia tăng. Muốn vậy, phải thay đổi cả tư duy, nhận thức về ngành. Chúng tôi cũng nhận thấy một điểm cần thay đổi so với trước trong công tác thống kê, đó là sản lượng thịt hiện nay vẫn để sản lượng hơi, trong khi cả thế giới đã chuyển sang tính lượng thịt xẻ. Hay sữa, hiện nay chúng ta vẫn thống kê sữa tươi nguyên liệu, trong khi các nước đã quy đổi ra hàm lượng protein, chất béo, vật chất khô…

Một vấn đề đặt ra hiện nay là ngành chăn nuôi phải tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, định hướng phát triển nền chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Điểm mới nữa là chúng ta đã đáp ứng cơ bản nhu cầu protein cho trên 100 triệu dân trong nước, có sản phẩm dư thừa, định hướng xuất khẩu. Nếu như vậy thì chúng ta phải chăn nuôi theo hướng đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định quốc tế, phải đáp ứng được về phúc lợi động vật… 

Tôi cho rằng, phát triển tăng trưởng xanh trong ngành chăn nuôi là đích đến quan trọng nhất trong thời gian tới để mang lại nhiều giá trị gia tăng một cách bền vững, áp dụng công nghệ hiện đại để giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải đầu ra, kéo dài được chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi…

Cuốn đặc san có 5 chương, trong đó đã dành một dung lượng khá lớn ở chương IV để nói về thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi. Ông có đánh giá như thế nào về vai trò của thu hút đầu tư cho ngành trong giai đoạn hiện nay?

- Luật Chăn nuôi ban hành năm 2018 là một mốc son rất lớn cho sự phát triển của ngành, trong đó có 2 nhóm quy mô chăn nuôi là khu vực nông hộ và trang trại. Chúng ta vẫn phải tiến hành song song phát triển cả 2 khu vực này.

Riêng với khu vực trang trại, việc đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và FDI vô cùng quan trọng, bởi họ có tiềm năng tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ, quản trị, tiếp cận theo chuỗi. Đây là "đầu tàu" kéo nông hộ tham gia vào chuỗi giá trị. 

Đảng và Chính phủ cũng đã xác định doanh nghiệp là một lực lượng vô cùng quan trọng nên đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi. Và các chính sách, chủ trương đó đã phát huy hiệu quả khi trong 5 năm vừa qua, đã có gần 3,4 tỷ USD được đầu tư vào hệ thống chăn nuôi với các đại gia như De Heus, Hùng Nhơn, Xuân Thiện, GreenFeed, Vinamilk, TH, Dabaco, CP, Emivest… 

Đây là các doanh nghiệp đầu tư rất bài bản, hi vọng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như vậy, ngành chăn nuôi sẽ đáp ứng được yêu cầu của cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem