Đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam: Cuốn "bách khoa thư" tổng quan 70 năm của ngành thủy sản

Nhóm PV Thứ ba, ngày 04/06/2024 10:43 AM (GMT+7)
Với gần 400 trang, cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam được coi như một cuốn "bách khoa thư" của ngành. Đặc san gồm 5 chương ghi lại các mốc son đáng nhớ của ngành, đặc biệt nhấn mạnh lịch sử phát triển, hình thành ngành Thủy sản và không thể thiếu những thành tích, con số tạo nên bước ngoặt lịch sử của ngành.
Bình luận 0

Cuốn sách đậm chất lượng, tư liệu của khoa học và báo chí

Cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam do TS Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT làm Chủ tịch Hội đồng biên tập và đã trải qua một quá trình sản xuất, biên soạn, trình bày kỳ công. Cuốn đặc san ban đầu được giao Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp với Tổng Cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư) thực hiện.

Quá trình lên ý tưởng, đề cương và chuẩn bị sách đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chắt lọc những tư liệu, tài liệu tinh túy nhất về ngành thủy sản. Theo đại diện Ban Thư ký thực hiện cuốn đặc san, là một cơ quan báo chí, song Báo Nông thôn Ngày nay đã có kinh nghiệm phối hợp, biên soạn nhiều cuốn đặc san về ngành nông nghiệp như: Toàn cảnh Nông nghiệp 4.0 (xuất bản năm 2018), 10 năm xây dựng nông thôn mới (xuất bản năm 2019), Toàn cảnh đầu tư Nông nghiệp Việt Nam (xuất bản năm 2020), Toàn cảnh OCOP Việt Nam- Từ làng ra thế giới (xuất bản năm 2021), 10 năm Tự hào Nông dân Việt Nam (xuất bản năm 2022). Vì thế, ngay khi nhận được ý tưởng phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT, Báo đã chuẩn bị kỹ lưỡng đề cương, nhân sự, nguồn lực để thực hiện cuốn đặc san này.

Nhà báo Nguyễn Thị Tố Loan- Thư ký chính của cuốn đặc san (Báo NTNN) cho biết: "Chưa có một cuốn đặc san nào, mà lãnh đạo Bộ NNPTNT, lãnh đạo các Cục của Bộ và Ban Biên tập của Báo NTNN/Dân Việt quan tâm, dành nhiều thời gian chỉ đạo để thực hiện như bộ 3 cuốn đặc san về chăn nuôi, thú y, thủy sản. Ngay sau khi được BBT giao làm thư ký cuốn đặc san này, chúng tôi cảm thấy rất áp lực, nhưng cuối cùng cùng vượt qua và hoàn thành".

Theo nhà báo Tố Loan: Để thực hiện cuốn đặc san này, chúng tôi đã dành nhiều buổi làm việc với từng đơn vị thuộc các Cục: Thủy sản, Kiểm ngư cũng như với các viện, trường trong ngành đúng với nghĩa là cuốn sách Toàn cảnh về ngành. Quá trình biên soạn, sưu tầm tài liệu cũng gặp không ít khó khăn do nhiều hình ảnh lịch sử do thời gian quá lâu đã bị giảm chất lượng hay có nhiều nhân chứng về ngành nay đã cao tuổi. "Áp lực của chúng tôi là, nội dung cuốn sách phải có được cái nhìn tổng thể, từ lịch sử của ngành đến những kết quả, dấu ấn về ngành, các chiến lược phát triển ngành, tức cả hiện tại và tương lai về ngành thủy sản Việt Nam"- nhà báo Tố Loan chia sẻ.

Để thực hiện cuốn đặc san này, Báo NTNN đã phải huy động nhiều PV, BTV, họa sỹ, kỹ thuật viên thực hiện trong thời gian kéo dài hơn 1 năm (từ cuối năm 2022).

Trong khi đó, nhà báo- họa sỹ Trần Việt Anh (Báo NTNN) cho biết: "Kế thừa thành công từ các cuốn đặc san trước đó, sau khi nhận được nhiệm vụ, Tổ họa sỹ chúng tôi đã mất nhiều thời gian để lên ý tưởng thiết kế tổng thể về cuốn đặc san sao cho vừa hiện đại, vừa mang đậm dấu ấn về một cuốn tư liệu quý của ngành. Có thể nói đây là cuốn đặc san rất... đặc biệt, được "lai" giữa tính chất báo chí và sách, nên đòi hỏi việc trình bày, bố cục phải hết sức khoa học, linh hoạt".

Theo nhà báo Việt Anh, áp lực trong quá trình trình bày đặc san của chúng tôi là các số liệu, tư liệu rất nhiều, nên nếu cứ trình bày theo toàn chữ như trước đây, bạn đọc sẽ rất khó nắm bắt, nhàm chán, nên chúng tôi đã phá cách thành các bảng biểu, infograffic dễ nhìn, dễ xem và dễ hiểu. Đặc biệt, khi chuyển lên phiên bản điện tử, bạn đọc sẽ rất dễ theo dõi, truy cập và tra cứu số liệu.

Dấu ấn đậm nét trong chính sách phát triển ngành Thủy sản

Đặc san Thủy sản mở đầu bằng cái nhìn tổng quát, ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất về ngành Thủy sản, về những lợi thế, ưu điểm mà ngành có được. Ngay sau đó là câu chuyện Bác Hồ về thăm làng chài Cát Hải (Cát Bà – Hải Phòng) khai mở việc thành lập ngành thủy sản Việt Nam. Đó cũng chính là những dấu mốc đầu tiên trong quá trình phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia sau này.

Đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam: Cuốn "bách khoa thư" tổng quan 70 năm của ngành thủy sản- Ảnh 1.

Đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản dày 380 trang, như một cuốn biên niên sử của ngành Thủy sản. Ảnh: TL

Đặc san cũng thể hiện được rõ nét sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với ngành Thủy sản thông qua hàng loạt các chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành. Từ những lời động viên, chúc mừng, giao nhiệm vụ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành; đến những chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong bối cảnh thủy sản gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch Covid…

Sự chỉ đạo, động viên kịp thời đó đã góp phần không nhỏ tạo nên "kỳ tích" của ngành Thủy sản khi những năm gần đây Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu và có mặt trên 160 nước, vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu của ngành liên tục tăng cao, từ 5 tỷ USD (năm 2010) lên 11 tỷ USD (năm 2022); năm 2023 dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành vẫn đạt con số 9,2 tỷ USD.

Đóng góp một phần không nhỏ tạo nên thành tựu chung cho ngành nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản cũng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT. Điều này cũng được thể hiện qua cuốn đặc san với rất nhiều bài viết liên quan đến chỉ đạo, điều hành của các Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách thủy sản qua các thời kỳ của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đây cũng chính là minh chứng cụ thể, rõ ràng trong công tác quản lý, điều hành; góp phần vào thành công chung của ngành thủy sản trong hơn 65 năm qua.

Đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam: Cuốn "bách khoa thư" tổng quan 70 năm của ngành thủy sản- Ảnh 2.

Các thành tích mà ngành Thủy sản đã đạt được trong hơn 65 năm hình thành, phát triển. Ảnh: TL

Đặc san cũng đăng tải toàn bộ chính sách, chủ trương phát triển ngành Thủy sản của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ở mỗi chương, mỗi lĩnh vực liên quan đều đi kèm các chương trình, đề án tương ứng với các giai đoạn trung, dài hạn; xác định các mục tiêu phát triển cụ thể cho mỗi giai đoạn. Do đó, tính giám sát, phản biện của đặc san được nâng cao khi độc giả có được sự so sánh những kết quả đạt được với mục tiêu mà các chương trình, đề án đặt ra.

Đồng thời, cũng thông qua các mục tiêu đó mà mỗi địa phương, doanh nghiệp cũng như các hộ sản xuất có thể tự "dự báo" và lên kế hoạch sản xuất cho từng giai đoạn sao cho phù hợp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biên soạn cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Đây là tư liệu quý giá không chỉ của riêng ngành thủy sản, kiểm ngư mà còn là tư liệu quý của cả ngành nông nghiệp nói chung. Đồng thời cũng là tài liệu rất cần thiết, quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu, tra cứu hoặc đơn giản phục vụ cho bất cứ ai muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử phát triển của ngành thủy sản nước nhà".

Thành tựu ngành Thủy sản rất đáng ghi nhận một cách trang trọng

Có lẽ nội dung chính quan trọng nhất của cuốn đặc san chính là những thành tựu nổi bật của từng lĩnh vực, góp phần làm nên bức tranh đầy màu sắc của ngành Thủy sản. Đó là các lĩnh vực: khai thác; nuôi trồng; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; kiểm ngư… Mỗi phần nội dung "đại diện" cho các đơn vị chuyên môn, các phòng ban của 2 cục Thủy sản và Kiểm ngư.

Vẫn theo "mạch" xuyên suốt chung của cả cuốn đặc san, độc giả đều có thể nhận ra hành trình phát triển của từng lĩnh vực tiêu biểu trong ngành. Ví như sự phát triển của lĩnh vực nuôi trồng qua các giai đoạn, thời kỳ có gì đổi mới. Sản lượng nuôi trồng đã thay đổi như thế nào sau 65 năm phát triển. Rồi vì sao mục tiêu khai thác thủy sản lại có sự thay đổi trong tình hình mới? Để khai thác bền vững, hiệu quả, có trách nhiệm thì ngư dân, cán bộ quản lý, các cấp ngành cần phải thực hiện những giải pháp gì….?

Đánh giá về những thành tựu mà ngành Thủy sản đạt được trong hơn 65 năm qua, ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản nhấn mạnh: "Thành tựu của ngành Thủy sản rất đáng được ghi nhận một cách trang trọng bởi không chỉ đóng góp lớn vào xuất khẩu, Thủy sản còn là ngành tạo ra công ăn, việc làm cho phần lớn ngư dân ven biển một cách bền vững, lâu dài. Đạt được những chuyển biến quan trọng về cơ cấu ngành nghề và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước và tiến bộ xã hội".

Không chỉ có cái nhìn tổng thể, đặc san cũng đi vào từng vấn đề nhỏ, diễn giải cụ thể hơn "câu chuyện" chinh phục thị trường thế giới của các sản phẩm chủ lực trong ngành; như "Chuyện về con tôm Việt Nam" hay "Tôm thẻ chân trắng và hành trình mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn", rồi chuyện về cá tra với bài "Chặng đường gian nan chinh phục nước Mỹ của loài cá tỷ đô" … Qua đó có thể thấy rõ nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân trong việc định hình, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững những sản phẩm chủ lực của ngành.

Đề cao công tác phát triển thị trường, nghiên cứu khoa học cũng như công tác đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Thủy sản, đặc san cũng đã dành riêng một chương để giới thiệu các Vụ, Viện – những đơn vị có thể coi là "sân sau", hỗ trợ đắc lực cho chiến lược phát triển chung của ngành.

Theo đó, công tác nghiên cứu khoa học được nhấn mạnh là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngành chủ động được con giống chất lượng cao, lai tạo và duy trì các nguồn gen quý. Đồng thời đào tạo và hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ, tay nghề, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thế giới.

Công tác phát triển, mở rộng thị trường cũng được đề cao thông qua các bài viết về hành trình gia nhập, đàm phán các hiệp định thương mại với thế giới, đưa các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tiến xa hơn trong quá trình hội nhập.

Đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam: Cuốn "bách khoa thư" tổng quan 70 năm của ngành thủy sản- Ảnh 3.

Ngoài bản giấy, Đặc san Thủy sản còn được phát triển bản điện tử trên nền tảng số. Ảnh: TL

Và cuối cùng, không thể thiếu các doanh nghiệp, nông dân – những người trực tiếp sản xuất, tạo ra nguyên liệu cũng như kết nối, đưa các sản phẩm chế biến thủy sản đi khắp các thị trường toàn cầu. Cũng chính chương cuối cùng này của cuốn đặc san, độc giả có thể "điểm tên" và có thông tin ngắn gọn, đầy đủ về những "ông lớn" trong ngành Thủy sản. Đó là Tập đoàn Việt – Úc; Minh Phú, Fimex; Nam Miền Trung….; là những câu chuyện, cách làm; là chặng đường mà họ đã đi qua, đã tạo dựng làm nên tên tuổi cho riêng mình cũng như tạo dựng thương hiệu, uy tín cho ngành Thủy sản Việt Nam.

Đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam được phát hành rộng rãi toàn quốc và được phát triển bản điện tử trên nền tảng số.

Bộ 3 cuốn sách đặc san: Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam, Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam, Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến làm Chủ tịch Hội đồng biên tập. Đơn vị thực hiện: Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) tổ chức thực hiện, xuất bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem