Ngày 11.1, phiên tòa phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm tiếp tục với phần tranh tụng. Tại tòa, nhiều luật sư, các bị cáo đã đề nghị HĐXX xem xét lại vai trò của các bị cáo trong vụ án.
Bị cáo Phạm Công Danh cùng đồng phạm tại tòa
Liên quan đến hành vi rút khoản tiền 5.190 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản (bà Trần Ngọc Bích), luật sư Trịnh Minh Tâm (bào chữa cho bị cáo Mai Hữu Khương, cựu giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) cho rằng bản án sơ thẩm nói Mai Hữu Khương là đồng phạm là không có căn cứ. Cách suy luận bản án sơ thẩm nói Khương là đồng phạm giúp sức trái với nguyên tắc suy đoán vô tội. Luật sư đưa ra một số căn cứ khẳng định thân chủ mình bị oan và không hề có trách nhiệm trong vụ 5.190 tỷ đồng. Ông đề nghị xem xét mức thiệt hại mà bị cáo Mai Hữu Khương liên đới gây ra chỉ hơn 3.000 tỷ đồng chứ không phải hơn 9.000 tỷ đồng như cáo trạng.
Bổ sung cho phần bào chữa của luật sư, bị cáo Mai Hữu Khương khẳng định mình không phải đồng phạm với Phạm Công Danh trong vụ rút 5.190 tỷ không có chữ ký của chủ tài khoản. Bị cáo giải thích số tiền là mối quan hệ vay mượn giữa ông Danh và Trần Quý Thanh, là hợp đồng vay giả tạo để cầm cố sổ tiết kiệm. Vụ này là chủ trương của ông Thanh, bà Bích chứ không phải là của Phạm Công Danh. Cựu giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn nêu đích danh ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích chính là chủ mưu trong vụ việc, ông Danh không phải chủ mưu. Do đó bị cáo này cho rằng mình không phải là đồng phạm, không làm trái trong vụ gây thất thoát 5.190 tỷ đồng.
Luật sư Lê Xuân Sơn (bào chữa cho bị cáo Hoàng Đình Quyết, Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) cho rằng thân chủ mình chỉ đóng vai trò thứ yếu trong vụ rút số tiền 5.190 tỷ đồng. Theo luật sư, hành vi này vẫn chưa xác định được thiệt hại cụ thể khi cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự những người liên quan. Trong khi đó, bị cáo Quyết cho rằng mình là người thụ động, việc rút tiền ra khỏi tài khoản mà không có chữ ký của bà Trần Ngọc Bích là hành động có mục đích của ông Thanh, bà Bích. Hành động này đã vô tình đẩy bị cáo vào vòng lao lý khiến bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm. Do đó bị cáo Quyết đề nghị HĐXX xem xét lại và giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Trước đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai cũng cho rằng nhiều tình tiết trong vụ án chưa được áp dụng theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Ông cho rằng cần xem xét lại việc thân chủ mình có phải là đồng phạm hay không, cần phải đánh giá nguyên nhân, điều kiện, bối cảnh vụ án. Việc bị cáo Mai bị xem xét vai trò đồng phạm thì nên xem xét vai trò phạm tội của Phạm Công Danh ở hành vi nào đó. Với hành vi gây rút 5.490 tỷ được xác định chưa gây thiệt hại bởi số sổ tiết kiện vẫn do VNCB giữ, bị cáo Phan Thành Mai không liên quan đến hành vi này.
Cũng trong ngày luật sư bào chữa và nhiều bị cáo khác cũng đã nêu các quan điểm xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Ngày mai phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng.
Trong thời gian điều hành VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Vào tháng 9.2016, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Công Danh mức án 30 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng với hai tội danh này, Phan Thành Mai bị tuyên phạt 22 năm tù; Mai Hữu Khương bị tuyên phạt 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết bị tuyên phạt 19 năm tù. Còn 32 bị cáo khác liên quan đến vụ án này chịu mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 9 năm tù.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.