Đại án Phạm Công Danh: TPBank vi phạm những quy định gì?

Hữu Ký Thứ hai, ngày 22/01/2018 07:17 AM (GMT+7)
Trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát cho VNCB hơn 6.126 tỷ đồng, cơ quan tố tụng xác định hành vi bảo lãnh của VNCB cho 11 công ty vay vốn tại TPBank đã gây thiệt hại cho VNCB 1.736 tỷ đồng.
Bình luận 0

Lật lại hồ sơ vụ án cho thấy tháng 5.2013, do cần tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn điều lệ, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB. Phan Thanh Mai đề xuất ông Danh ủy thác qua Quỹ Lộc Việt (do Nguyễn Việt Hà làm Tổng giám đốc) để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh. Ý định của Mai và ông Danh rằng nhờ Việt Hà mượn pháp nhân các công ty để vay tiền Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), sau đó lấy tiền mượn mua trái phiếu.

Ông Nguyễn Việt Hà gặp gỡ, trao đổi với Đặng Bích Thủy và Đinh Việt Cường (Phó giám đốc và Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp của TPBank). Các bên đưa ra phương án dùng 11 pháp nhân của các công ty tham gia vào việc vay vốn, mua trái phiếu và VNCB sẽ đứng ra đảm bảo khoản vay bằng tiền gửi của chính mình tại TPBank.

img

Phạm Công Danh (áo xanh biển).

Sau đó Nguyễn Việt Hà trực tiếp giới thiệu 5 công ty của mình, mượn pháp nhân và thành lập phương án cho vay. Đặng Bích Thủy và Đinh Việt Cường cũng trực tiếp giới thiệu 5 công ty, ông Danh giới thiệu 1 công ty để trực tiếp vay tiền TP Bank. Sau khi được giải ngân, các công ty này ký hợp đồng mua trái phiếu với số tiền 1.600 tỷ đồng. Tháng 4.2014, các công ty vay vốn nói trên không xuất trình được những hồ sơ thể hiện việc triển khai thực hiện dự án tại Đà Nẵng, tiềm ẩn rủi ro... qua đó TPBank tiến hành thu hồi nợ gốc và lãi số tiền hơn 1.740 tỷ đồng.

Tại kết luận giám định (KLGĐ) số 3912/KLGĐ-NHNN ngày 27.5.2016 và KLGĐ bổ sung số 8671/KLGĐ-NHNN ngày 11.11.2016 của Đoàn giám định NHNN kết luận sai phạm TPBank như sau: Quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn vốn trả nợ hoặc cho vay khi không có đủ hồ sơ, tài liệu xem xét, đánh giá khả năng tài chính để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của ngân hàng; Việc nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định tài khoản bảo lãnh; cho vay khi khách hàng và bên bảo lãnh (VNCB) chưa thực hiện bảo đảm tiền vay; không kiểm tra sau cho vay hoặc lập báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ, tài liệu…Những điều này là thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ quy định pháp luật, vi phạm Quyết định 1627, Thông tư 28, Luật Các Tổ chức Tín dụng 2010. KLGĐ nêu trách nhiệm này thuộc về những người thẩm định, xét duyệt, ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố tài sản.

Về thiệt hại, KLGĐ số 1637 ngày 16.3.2017 về việc TPBank cho 11 công ty vay 1.666,8 tỷ đồng nêu: Đến thời điểm giám định TPBank không có thiệt hại trong việc cho vay 11 công ty liên quan đến Phạm Công Danh. Việc bảo lãnh của VNCB cho 11 công ty vay vốn tại TPBank đã gây thiệt hại cho VNCB 1.736 tỷ đồng.

Hôm nay, ngày 22.1 phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và các đồng phạm về các hành vi gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ đồng tiếp tục với phần tranh tụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem