Đại biểu nhắc “món nợ” liên quan dự án đầu tư thua lỗ, ngân hàng yếu kém và nợ xấu
Đại biểu nhắc “món nợ” liên quan dự án đầu tư thua lỗ, ngân hàng yếu kém và nợ xấu
PVKT
Thứ sáu, ngày 28/10/2022 10:21 AM (GMT+7)
Đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề nghị cần tập trung trả dứt điểm một số "món nợ" tồn đọng của nhiệm kỳ trước.
Một là, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng.
Định hướng và nội hàm đã ghi rất rõ trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm. Trong đó, nổi bật lên là, phát triển bền vững dựa trên kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhân tố cạnh tranh mang tính quyết định.
Định hướng và nội hàm này cần chi phối và được thể hiện trong mọi mục tiêu tăng trưởng của mỗi ngành mọi lĩnh vực trong thiết kế chính sách đối với các loại hình doanh nghiệp, trong phân bổ mọi nguồn lực và trong tiêu chí đánh giá thành tích năng lực của tất cả các bộ công viên chức.
Phân bổ nguồn lực dàn trải, kém hiệu quả và lãng phí tài nguyên tài sản công và sai với các mục tiêu phát triển Đại hội Đảng đã thông qua.
"Món nợ" thứ hai theo lời của đại biểu Nghĩa đó là giải quyết các dự án đầu tư thua lỗ, ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu đang để lại gánh nặng tài chính cực lớn cho nền kinh tế, cho ngân sách nhà nước và đè nặng lên "đôi cánh" tăng trưởng. Càng kéo dài thiệt hại càng gia tăng – theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
"Món nợ" thứ 3, đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoàn thiện thế chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường.
"Theo tôi sự trễ hẹn về đổi mới và hoàn thiện thể chế tạo ra lực cản và điểm nghẽn cho các mục tiêu phát triển", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Về kiến nghị cụ thể, theo ông Nghĩa có một số việc cấp bách cần Chính phủ hành động ngay đó là, đề xuất có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ Covid-19.
Những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.
Nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Vì trong 9 tháng qua, mới giải ngân được 20%.
Đồng thời, có nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình. Lưu ý, mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp.
Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 01/01/2023.
Cùng với đó, đẩy mạnh kìm chế lạm phát và nghiêm trị hành vi đầu cơ găm hàng tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường. Đồng thời kiên quyết chống tham nhũng tiêu cực lãng phí tài sản công. Có ngay chủ trương chính sách khuyến khích xây, bán và bán trả góp, cho thuê mua nhà ở cho người thu nhập thấp.
Có ngay biện pháp giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị.
Đại biểu đề nghị Chính phủ kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước cho dù Chính phủ không bảo lãnh các khoản nợ này. Vừa qua nợ lĩnh vực phi tài chính rất lớn, khoảng 140% GDP, trong đó tỷ lệ không nhỏ là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành.
Trái phiếu lại tăng nhanh, lãi suất cao không có bảo lãnh và công khai nên khó kiểm soát và có tính rủi ro cao, có nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động về thị trường hay năng lực thanh toán.
Đẩy mạnh đầu tư công phải được coi là kỷ luật hành chính, tỷ lệ giải ngân là thước đo năng lực, bản lĩnh, đạo đức lãnh đạo.
"Nếu không vượt qua những thách thức đó, chúng ta có khả năng cao rơi vào bẫy thu nhập trung bình, cũng có nghĩa từ biệt khát vọng trở thành nước thu nhập trung bình – cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.