Đại biểu Quốc hội lên tiếng

Thứ tư, ngày 03/03/2010 10:44 AM (GMT+7)
NTNN - Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến việc 10 địa phương đã cho người nước ngoài thuê khoảng 30.000ha đất rừng. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng bày tỏ lo ngại về hiện tượng này.
Bình luận 0

Nguyễn Đình Xuân - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát tỉnh Tây Ninh: Bất đắc dĩ mới cho thuê

Tuy chưa có báo cáo nào nói giá trị kinh tế của việc đầu tư trồng rừng nhưng giá trị chắc chắn không lớn. Với suất đầu tư để trồng cây rừng khoảng 10 triệu đồng/ha như hiện nay thì 100ha đất rừng cho thuê sẽ chỉ là 1 tỷ đồng. Tiền thuê đất hiện nay lại càng thấp nữa.

Tuy nhiên, giá trị của rừng không chỉ được tính toán như vậy. Rừng có nhiều giá trị như duy trì phát triển độ che phủ; đa dạng sinh học; giải quyết việc làm cho đồng bào để giữ đất, rừng, biên cương cho Tổ quốc. Dự án 5 triệu ha rừng hiện nay chúng ta đang làm là không thu tiền sử dụng đất của bà con; thậm chí còn hỗ trợ là làm theo cách hiểu đó.

Bản thân tôi là người giữ rừng cũng hiểu và thông cảm với việc các lãnh đạo một số địa có rừng ký quyết định cho thuê. Công giữ rừng, phòng chống cháy rừng, lâm tặc hiện nay là 100.000 đồng/ha; chia ra 1 tháng là 8.000 đồng; đúng như một ĐBQH đã từng nói chưa bằng tiền công của một người giữ xe đạp. Vì vậy, nếu chúng ta thu được phí dịch vụ môi trường rừng thì không cần cho người nước ngoài thuê vẫn có kinh phí để trồng rừng.

img
Nên tăng mức hỗ trợ để người dân trong nước thuê đất trồng rừng.

Còn nếu cho thuê nên cho người trong nước thuê thì tốt hơn. Trong khi đó, nhu cầu thuê đất trồng rừng trong nước hiện nay rất nhiều. Trường hợp người trong nước không thuê hết; không có kỹ thuật trồng rừng, không có năng lực quản lý... thì bất đắc dĩ mới phải cho người nước ngoài thuê đất rừng.

Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện nay có cho phép cá nhân và người nước ngoài thuê đất rừng. Việc cho thuê rừng là không sai luật. Tuy nhiên, việc áp dụng luật như thế nào còn tuỳ thuộc vào tình huống cụ thể. Ở đây, luật  quy định như vậy nhưng lãnh đạo các địa phương phải có đủ tài năng, tâm đức để vận dụng.

Trong khi chưa đánh giá đầy đủ được hiệu quả việc cho thuê rừng; chưa giải quyết được việc làm, cuộc sống cho người dân thì chúng ta phải tính toán và rút lại các quyết định này ngay.

Trả lời báo chí, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài chọn thuê ở nhiều địa điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng. Cụ thể, họ thuê đất ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng là các tỉnh biên giới. Tại Nghệ An, họ thuê ở các địa điểm gần với đường 7 và 8 sang Lào. Họ thuê ở Quảng Nam, có đường thuận tiện đi lên Tây Nguyên, qua Campuchia.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng: Hậu quả sẽ khôn lường

Chúng ta vẫn thường nói câu, đất nước chúng ta có rừng vàng biển bạc. Hiện nay, biển bạc đang có tranh chấp. Bây giờ còn rừng vàng sao lại để cho người khác giữ. Rừng vàng ở đây là của cải, là cơ sở tăng thu nhập của dân, còn là yếu tố đóng góp vào việc bảo vệ môi trường...

Nếu chúng ta cho thuê rừng để rồi phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài thì dẫn đến những hậu quả khôn lường. Hiện nay, các con sông lớn của cả nước như sông Hồng, Mêkông đang cạn kiệt nước. Ngoài việc nước ta và các nước chưa thoả thuận được về điều hoà dòng nước thì  rừng đang giữ vai trò lớn trong việc điều tiết dòng chảy. Nếu để nước ngoài giữ rừng liệu lượng nước có điều tiết được không.

R?âng còn liên quan chặt chẽ với an ninh quốc phòng. Việc này chắc chắn các nhà quản lý phải hiểu. Vì vậy, việc cho một số nước, vùng lãnh thổ có tính tập trung như Trung Quốc, Đài Loan,  Hồng Kông đều gần biên giới với nước ta thuê thì bài toán an ninh quốc phòng được giải quyết thế nào?

Theo tôi, ngay bây giờ ngành chức năng nên có một sự giải thích rõ ràng cho nhân dân biết. Nhưng hợp đồng đã ký có thể đền bù để huỷ hợp đồng. Trong việc này, tôi hoàn toàn không biết và không được thông tin gì trước khi những bức thư của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh được đưa ra công luận. Bản thân tôi rất ngạc nhiên về việc này.

ĐB Vi Thị Tuyết - Trưởng phòng văn hoá  - UBND huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An: Lo an ninh quốc phòng

Cho đến thời điểm này, tại Quế Phong đã có quyết định cho công ty Trung Quốc thuê 4.000ha đất. Khi dự án chưa được ký,  dư luận cử tri trên địa bàn đã bày tỏ nỗi lo về vấn đề an ninh quốc phòng. Với thời hạn 50 năm, trong hàng nghìn ha ấy, không biết người ta sẽ làm gì trên mặt đất và cả dưới mặt đất nữa. Sau đó, huyện đã có ý kiến với tỉnh về vấn đề này nhưng không hiểu sao quyết định vẫn được ký.

Về hiệu quả kinh tế, phải thừa nhận rằng người dân ở đây chưa khai thác hết được nguồn lực của rừng. Việc hỗ trợ của nhà nước cũng chỉ mang tính chất thí điểm trong một địa bàn và thời gian nhất định. Tuy nhiên, để đảm bảo cho vấn đề an ninh, theo tôi nên nâng mức hỗ trợ và thay đổi cơ chế chính sách để khuyến khích ngưới dân trong nước trồng rừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem