Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng người dân lập chốt thu phí trái luật

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 21/05/2024 10:28 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội nêu thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, từ đó đề xuất cấm hành vi này trong dự thảo Luật đường bộ.
Bình luận 0

Sáng 21/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo luật Đường bộ.

Đề nghị bổ sung cấm hành vi lập chốt thu phí trái phép

Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng người dân lập chốt thu phí trái luật- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị nghiên cứu bổ sung cấm hành vi lập chốt thu phí trái pháp luật vì trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Đại biểu Huế cho biết, tại điểm a khoản 1, điều 14 nghị định số 100 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có quy định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng, tự ý lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về GTVT cho phép. Do đó, việc bổ sung hành vi này trong dự thảo luật là phù hợp.

Đề nghị cho phép dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ hoạt động

Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội lần này, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) băn khoăn, dự thảo Luật quy định tại khoản 10 Điều 56, đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.

"Tôi hiểu là Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, việc này lại đang vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến", bà Yên nói.

Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng người dân lập chốt thu phí trái luật- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Yên cho rằng, về cơ bản, mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng cho phép các hành khách khác nhau có cùng lộ trình nhưng khác điểm đón và trả khách có thể đi chung một chuyến xe. Hành khách sẽ được hưởng cước phí di chuyển rẻ hơn, còn người lái xe cũng được gia tăng thu nhập do lượng hành khách trong một chuyến xe tăng lên. Đồng thời, mô hình này cũng mang nhiều lợi ích cho xã hội, giảm tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường.

Do đó, đại biểu Yên đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng "xe dù, bến cóc", nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ hoạt động.

Quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Cũng quan tâm đến quy định về vận tải đường bộ, Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, theo Điều 56 của dự thảo Luật, thực tế hiện nay phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng về bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định (chở khách di chuyển thường xuyên hàng ngày cùng một điểm đi và điểm đến), việc này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông.

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng người dân lập chốt thu phí trái luật- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai. Ảnh: Media Quốc hội

ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ thống nhất với quy định "Đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý bán vé được đặt tại bến xe khách" tại khoản 3 Điều 75 của dự thảo Luật (quy định này một phần kế thừa quy định của Bộ GTVT), 

Tuy nhiên, theo đại biểu Mai, trong thực tế hiện nay, việc thực thi quy định này chưa thực sự nghiêm minh, vẫn xảy ra việc các đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, mà đặc biệt là đối với những nơi có bến xe cách xa trung tâm. Điều đó đã tạo nên tình trạng giao thông lộn xộn và nguy cơ mất an toàn.

"Ngoài việc quy định một cách rõ ràng tại khoản này thì vấn đề tổ chức thực thi pháp luật phải được đề cao và có các chế tài xử phạt vi phạm nghiêm minh để đảm bảo an toàn, trật tự và đem lại hiệu quả trong thực tiễn", ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem