Chủ tịch Quốc hội: Không để người dân "tiền mất tật mang" do sử dụng thuốc từ quảng cáo

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 18/06/2024 18:46 PM (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, không để nội dung quảng cáo sai lệch về thuốc, không đúng hiệu quả điều trị, không để người dân tiền mất tật mang do sử dụng thuốc từ quảng cáo
Bình luận 0

Chiều 18/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Góp ý về quy định "không được kinh doanh dược trên mạng xã hội" có trong dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là mặt hàng đặc biệt, cần có quy định cụ thể kiểm soát; mở rộng từng bước, thận trọng và đồng bộ với các luật liên quan khác.

"Không để nội dung quảng cáo sai lệch về thuốc, không đúng hiệu quả điều trị, không để người dân tiền mất tật mang do sử dụng thuốc từ quảng cáo", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Với việc mở rộng bán thuốc trên sàn giao dịch thương mại điện tử, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần có quy định cụ thể để kiểm soát và mở rộng từng bước một cách thận trọng.

Chủ tịch Quốc hội: Không để người dân

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thảo luận tại tổ của Quốc hội, chiều 18/6. Ảnh: Phạm Thắng

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần quan tâm đến các chính sách để phát triển ngành công nghiệp dược trong nước.

Mục tiêu là ngày càng có nhiều thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân. Đặc biệt, cần quan tâm phát triển thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đặc trị… đây là những loại thuốc đắt tiền, nếu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thì thêm gánh nặng cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, ngày nào ông cũng nhận những cuộc điện thoại gọi đến hỏi "thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh sử dụng không, mà người ta dùng hình ảnh của anh để bán rất nhiều trên mạng và người dân dùng rất nhiều, gây tác dụng phụ, tốn kém tài sản".

Theo ông Hiếu, vấn đề quản lý quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng riêng đối với thuốc thì cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế.

Ông đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết trên các website, ứng dụng của Bộ Y tế để phòng tránh, không để cho người dân dùng các thuốc này.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cũng nêu lo ngại thời gian qua, có thực trạng một số mặt hàng như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh được quảng bá, rao bán trên một số sàn thương mại điện tử như Shoppee, TikTok shop. Trong đó, có một số loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu, dị ứng.

Bên cạnh đó, thực tế giá thuốc trên các sàn thương mại điện tử lúc nào cũng rẻ hơn giá bán buôn của các cơ sở kinh doanh thuốc truyền thống nên phải đặt vấn đề về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm.

Vì vậy, Phó trưởng Ban Dân nguyện đề nghị cơ quan soạn thảo cần đưa ra những quy định quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các loại thuốc trên sàn thương mại điện tử.

Theo quy định tại dự thảo luật Dược (sửa đổi), cơ sở kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử có các trách nhiệm tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; phải bảo đảm bảo mật thông tin của người mua theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Đặc biệt, dự thảo nghiêm cấm hình thức kinh doanh thuốc trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác ngoài các hình thức quy định tại luật này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem