Đại biểu Quốc hội: Thu ngân sách của xã được huyện giao là 14 triệu/năm thì thanh tra cái gì
Đại biểu Quốc hội: Thu ngân sách của một xã được huyện giao là 14 triệu đồng/năm thì thanh tra cái gì
PVCT
Thứ hai, ngày 13/06/2022 19:10 PM (GMT+7)
ĐBQH Trương Xuân Cừ (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi quy định huyện nào cũng có thanh tra. Ông nêu vấn đề, nếu đối tượng thanh tra là cấp xã nhưng như một xã ông đến thấy thu ngân sách của địa phương đó được huyện giao cho là 14 triệu đồng/năm, như vậy thì thanh tra cái gì.
Hoạt động của cơ quan thanh tra cấp huyện còn hạn chế, nhiều bất cập
Chiều 13/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Phát biểu góp ý, ĐBQH Trương Xuân Cừ cho biết, cơ bản đồng tình với tờ trình của Chính phủ là phải có thanh tra cấp huyện, nhưng huyện nào cũng có thanh tra thì ông thấy cực kỳ băn khoăn.
Ông nêu lý do: Trong 705 đơn vị hành chính cấp huyện thì các quận, thị xã của thành phố, thành phố trực thuộc tỉnh khác biệt rất xa so với nhiều huyện miền núi, từ quy mô, từ tính chất trong công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Ông ví dụ có một quận ở Hà Nội thu bình quân năm 2021 là 12.000 tỷ đồng, trong khi đó, có một huyện ở miền núi năm 2021 thu trên địa bàn 15 tỷ đồng, qua đó thấy khác biệt nhau rất lớn.
"Nếu chúng ta cứ xác định là đơn vị hành chính cấp huyện đều phải có thanh tra thì tôi e rằng chưa nhất quán", ĐB Cừ nói.
Vị ĐBQH này dẫn thêm báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra từ năm 2010 đến nay, trong báo cáo đã nhận xét là "hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra cấp huyện còn hạn chế, nhiều bất cập" rồi "tổ chức biên chế của cơ quan thanh tra cấp huyện không phù hợp". Từ thực tiễn đó, ĐB Cừ đề nghị xem xét.
Vẫn theo ĐB Cừ, trong vấn đề tinh giản biên chế, các cơ quan chuyên môn của cấp huyện hiện nay nhân sự cực kỳ eo hẹp, khoảng 10 hoặc 11 biên chế, chia ra mỗi một cơ quan tham mưu chuyên môn có một vài biên chế.
"Có những phòng chuyên môn làm "đầu tắt mặt tối", nhưng nếu chúng ta thành lập cơ quan thanh tra ra mà không có các đối tượng thanh tra có khi lại là vấn đề phản cảm, đề nghị cân nhắc.
Tôi nghĩ rằng đối với quận, huyện, thành phố để có thể tiến tới sau 10 năm, 20 năm có thanh tra cấp phường, bởi vì 1m2 đất là hàng tỷ đồng, rồi thu ngân sách trên địa bàn, công tác cán bộ, đủ các lĩnh vực quản lý nên nảy sinh các vấn đề phức tạp. Nhưng đối với một huyện, nếu thanh tra huyện lấy đối tượng thanh tra là cấp xã, nhưng xin báo cáo năm 2016, tôi đến một xã thấy thu ngân sách của xã đó được huyện giao cho là 14 triệu đồng/năm, như vậy thanh tra cái gì", ĐBQH Trương Xuân Cừ nói.
Cơ quan thanh tra không chỉ thực hiện các nhiệm vụ thanh tra
Sau phát biểu của ĐB Cừ, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đã có tranh luận. Ông nói: Chúng ta xác định tiêu chí về thu ngân sách để xác định có hay không tổ chức thanh tra cấp huyện, vấn đề cần đánh giá lại cho thật kỹ.
"Một nguyên tắc khi xác định thanh tra đó là chỗ nào có cấp quản lý nhà nước thì phải có công tác thanh tra và cấp huyện là một cấp quản lý nhà nước, cho nên xác định nguyên tắc có cơ quan thanh tra là rất hợp lý.
Cơ quan thanh tra ở đây không chỉ thực hiện các nhiệm vụ thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra mà hiện nay còn làm rất nhiều nội dung khác, ví dụ như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, làm thường trực của cơ quan phòng, chống tham nhũng, rất nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, liên quan vấn đề phát sinh ở cấp cơ sở.
Đặc biệt cấp huyện là cấp cơ sở, trong xu hướng gần đây thì việc tăng giải quyết khiếu nại, tố cáo cấp ở cơ sở, đặc biệt cấp xã, cấp huyện rất lớn. Do vậy, nếu chúng ta xác định tổ chức lại mô hình thanh tra ở cấp huyện theo tiêu chí xác định về thu ngân sách hay không thì tôi nghĩ cần phải đánh giá lại. Các đại biểu khi phát biểu đề nghị giữ lại mô hình thanh tra cấp huyện tôi thấy hợp lý", ĐB Trịnh Xuân An nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.