Đại biểu Quốc hội: Tồn tại vấn đề nhũng nhiễu doanh nghiệp sau dịch?

PV Thứ bảy, ngày 13/06/2020 13:36 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, dù dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, vẫn có những thành phần gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Bình luận 0

Sáng nay (13/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

DN vẫn khó khăn tiếp cận nguồn vốn

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng thời kỳ hậu Covid-19 chứng kiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu cú sốc lớn, không ít phải dừng hoạt động. Ông cho rằng dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Ông đề xuất Chính phủ nghiên cứu, có thêm các chính sách, các gói cho vay với ưu đãi, lãi suất hấp dẫn hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn. Cùng với đó, cần các có thêm ưu đãi gia hạn các khoản nợ, giảm lãi các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả… tránh việc doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được nguồn vốn.

Tương tự, liên quan đến vấn đề khôi phục kinh tế thời kỳ hậu Covid-19, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) nêu lên 5 vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm, trong đó nêu lên thông tin chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 có cần điều chỉnh hay không và phải có dự báo tăng trưởng trong thời gian tới.

Đặc biệt, đại biểu đoàn Tiền Giang đề cập tới chính sách tài khóa, các gói tín dụng, các gói hỗ trợ an sinh do thiệt hại vì Covid-19 cần được thanh tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo bảo đúng đối tượng thụ hưởng; không để tình trạng “bò đi lạc vào nhà quan” và “quan đi lạc vào hộ cận nghèo” như một vài trường hợp được phản ánh trong thời gian gần đây.

Đại biểu Quốc hội: Tồn tại vấn đề nhũng nhiễu doanh nghiệp sau dịch? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình).

Báo chí ở xa phát hiện, còn cơ quan quản lý ở gần không nhận thấy

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhận định, việc phòng chống tham nhũng làm tốt nhưng phòng chống lãng phí thì không làm tốt. Đặc biệt, phải làm rõ tại sao doanh nghiệp phá sản để xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Cần xác định các ngành, lĩnh vực được ưu tiên, nhằm mục tiêu định hướng thu hút đầu tư một cách chủ động đến các khu vực và tỉnh khó khăn. Cần tăng cường nguồn vốn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), nhiều hoạt động phá rừng có dấu hiệu được che chắn, bảo kê. “Phần lớn vi phạm có báo chí ở xa nhưng phát hiện, lên tiếng cảnh báo, còn cơ quan quản lý ở gần không nhận thấy, không phát hiện, xử lý”, ông Phương bức xúc.

Ông Phương cũng cho hay dù dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, vẫn có những thành phần gây khó dễ cho doanh nghiệp. Thủ tướng đã có nhiều quyết sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng vẫn có tình trạng bị nhũng nhiều, gây phiền hà, không tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt khó khăn.

Ông đề nghị phải có sự vào cuộc kiểm tra nguyên nhân các doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần, phá sản để phát hiện liệu có cá nhân, tổ chức nào gây khó khăn, cản trở dẫn tới doanh nghiệp phá sản hay không và tập trung xử lý.

Trước đó, Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách trước đó, Chính phủ cho biết, tác động của đại dịch Covid-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế.

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dịch bệnh còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, trước thực trạng hiện nay chúng ta vẫn còn một số hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực. Đời sống của một bộ phận người lao động, người dân còn gặp nhiều khó khăn; triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm.

Thực tiễn còn xảy ra tham nhũng, vi phạm pháp luật trong mua sắm thiết bị y tế. Khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng vẫn còn bức xúc ở một số địa phương. Tình hình an ninh, trật tự, tội phạm hình sự nghiêm trọng diễn biến phức tạp trên một số địa bàn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem