Đại biểu “tiết lộ” 4 bước để đánh giá người lấy phiếu tín nhiệm

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 25/10/2018 08:15 AM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh không phải một cuộc sát hạch mà đại biểu muốn làm gì làm. Đại biểu phải bỏ qua những cái cá nhân, định kiến, va chạm, hẹp hòi, lấy quan điểm chung để đánh giá.
Bình luận 0

img

Đại biểu Vũ Trọng Kim (ảnh PV).

Theo chương trình làm việc, sáng nay (25.10), Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Đến buổi chiều Ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả. Trao đổi với PV trước khi thực hiện việc bỏ phiếu, đại biểu Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Đối với đại biểu điều quan trọng nhất là tiếp cận được những thông tin về người được lấy phiếu và chắt lọc thông tin cách kỹ càng.

Từ đó sẽ giúp đại biểu đưa ra quyết định chuẩn xác. Điều này có lợi cho công tác cán bộ của Đảng. "Đại biểu đánh giá đúng thì công tác cán bộ được phát huy, phiến diện thì có hại. Đây không phải một cuộc sát hạch mà đại biểu muốn làm gì làm. Đại biểu phải bỏ qua những cái cá nhân, định kiến, va chạm, hẹp hòi, lấy quan điểm chung để đánh giá khi bỏ phiếu”, đại biểu Kim nói.

Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng nêu 4 bước mà ông sẽ căn cứ để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

“Thứ nhất là căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn Nhà nước giao cho vị cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm. Xem cán bộ đó làm việc thế nào, tốt hay không, xuất sắc thế nào, có vi phạm gì không. Thứ hai là ngành, lĩnh vực của người được lấy phiếu đó đã thực hiện vai trò phục vụ nhân dân thế nào. Thứ ba là phong cách lối sống của người được lấy phiếu. Thứ tư là tấm gương về mọi mặt của người được lấy phiếu, trong đó có bản kê khai tài sản thế nào, thu nhập có chính đáng không hay có dấu hiệu lợi dụng” đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

Vẫn theo đại biểu Kim những người được lấy phiếu tín nhiệm có vị trí công việc khác nhau nên không thể cào bằng với nhau được. Đối với những ngành như Giáo dục, Y tế, Thương binh Xã hội... tác động đến cả trẻ em, người già, khi đánh giá nếu thấy có những việc gây bức xúc phải xem khuyết điểm do đâu, có phải từ những người đưa ra chủ trương với tư cách là quản lý nhà nước không, hay chỉ là sự cố hàng ngày.

“Tôi đã chuẩn bị cho việc đánh giá 48 chức danh, có người làm ở lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân hay nói cách khác là ít “va chạm” nhưng tôi thấy cách ứng xử, quản lý nhà nước không được thì sẽ không đồng ý. Tôi đánh giá không phải chỉ nhìn vào điểm nóng của ngành, lĩnh vực, điểm nóng phải có sự phân tích cặn kẽ khi đánh giá”, đại biểu Kim nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem