Đại dịch tiếp theo sẽ bắt đầu ở đâu? Manh mối nằm trong rừng Amazon
Đại dịch tiếp theo sẽ bắt đầu ở đâu? Manh mối nằm trong rừng Amazon
Minh Nhật (theo LA Times)
Thứ ba, ngày 16/11/2021 19:30 PM (GMT+7)
Sau Covid-19, các nhà nghiên cứu cảnh báo, một đại dịch tiếp theo có khả năng xuất hiện từ những nơi mà con người đang xâm phạm thô bạo thế giới tự nhiên và xóa bỏ vùng đệm giữa họ và môi trường sống đã tồn tại từ rất lâu trước đó, theo LA Times.
Những ngọn lửa nhỏ bùng lên xung quanh Darah Lady Assunção Oliveira da Costa và những người anh em họ của cô khi họ đốt cây trong rừng Amazon để lấy thêm đất canh tác. Phía chân trời thấp thoáng những gì còn sót lại của một khu rừng rậm còn nguyên sơ, rậm rạp và xanh ngắt. Nhưng tiếng cưa xích gầm lên từ bên trong nghe rõ mồn một.
Trong ba thập kỷ kể từ khi bà của Darah Lady lần đầu tiên đến vùng xa xôi hẻo lánh phía bắc Brazil, tự tay dọn rừng để xây nhà cho 14 đứa con của mình, gia đình này đã ngày càng lấn sâu vào rừng Amazon.
Những gia đình như Darah Lady thuộc một trong hàng nghìn khu định cư không chính thức trên khắp Amazon - khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và có thể ảnh hưởng đến không chỉ tương lai của con cái họ mà còn của toàn bộ hành tinh.
Vấn đề không liên quan đến cây cối, mà là virus.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng có thêm nhiều đại dịch toàn cầu như Covid-19 sẽ bùng phát và một đại dịch tiếp theo có khả năng xuất phát từ một cộng đồng như của Darah Lady, nơi mọi người đang xâm phạm thế giới tự nhiên và xóa bỏ vùng đệm giữa họ với môi trường sống đã tồn tại từ rất lâu trước đó.
Từ việc phá rừng để trồng dầu cọ ở Malaysia đến khai thác gỗ ở châu Phi và chăn nuôi gia súc ở Brazil, khi người dân phá rừng, họ không chỉ đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu mà còn làm tăng đáng kể nguy cơ tiếp xúc với dịch bệnh.
Ẩn náu giữa các loài động vật có vú và chim hoang dã là khoảng 1,6 triệu virus, một số trong số đó có thể gây chết người khi chúng nhảy sang người. Vấn đề sẽ trở nên rất nghiêm trọng nếu một loại virus được chứng minh là có thể lây truyền giữa người với người.
Đó là những gì đã xảy ra với Covid-19, bắt nguồn từ sự tiếp xúc gần gũi giữa con người và động vật hoang dã - cho dù nó xuất hiện từ môi trường tự nhiên hay phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học nói rằng các "điểm nóng" dịch bệnh đang gia tăng từ châu Phi đến Nam Mỹ, và nạn phá rừng đã làm gia tăng bệnh truyền nhiễm.
Các nhà động vật học đã lần ra dấu vết của khoảng 1/3 số vụ bùng phát dịch bệnh trên thế giới có nguyên nhân là do việc thay đổi sử dụng đất nhanh chóng, bao gồm virus Nipah, bệnh sốt rét và bệnh Lyme. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn do nhiệt độ ấm hơn do biến đổi khí hậu cho phép côn trùng mang mầm bệnh sinh sôi nảy nở.
Gia đình Darah Lady đã phải chiến đấu với các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật - thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và con người. Bố của Darah Lady đã sống sót sau bệnh sốt rét và bệnh Leishmaniasis, một căn bệnh do ruồi cát lây lan gây ra những vết loét trên da.
Tom Gillespie, một nhà nghiên cứu của Emory về sự thay đổi môi trường và dịch bệnh cảnh báo, khi 40% diện tích đất rừng Amazon đã bị phá hủy, khu vực này sẽ chạm đến "lằn ranh": Động vật hoang dã bị đẩy gần lại con người hơn, bị con người bắt ăn thịt và virus nhờ vậy mà bắt đầu lây lan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.