Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang: Cần thanh tra toàn diện dự án để xem chậm do đâu?
Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang: Cần thanh tra toàn diện dự án để xem chậm do đâu?
Nhóm PV
Thứ tư, ngày 24/03/2021 06:30 AM (GMT+7)
Liên quan đến dự án “Tiếp nước, cải tạo sông Tích” đã khởi công, thi công suốt hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa thể hoàn thành, hàng nghìn tỉ đồng đã giải ngân vào công trình bị lãng phí, PV Dân Việt đã tìm gặp nhiều người có trách nhiệm, song do tính chất “nhạy cảm”, nên xin được giấu tên khi trao đổi.
Theo ông, việc lập dự án này có từ thời điểm tỉnh Hà Tây chưa sáp nhập vào Hà Nội đã được phê duyệt trước năm 2008. Sau khi Hà Tâp sáp nhập với Hà Nội dự án tiếp tục được nghiên cứu đến năm 2020, Hà Nội đã có quyết định phê duyệt đầu tư. Mục đích của dự án là để tưới cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp, những diện tích đó nằm ở vùng tưới của 2 hồ: Đồng Mô và Suối Hai.
Ông có thể cho biết tầm quan trọng của dự án "Tiếp nước, cải tạo sông Tích". Dự án này, có ý nghĩa như thế nào?
- Sông Tích được bắt nguồn từ khu vực Đầm Long là vùng trũng, có cơ chế nước tự chảy, nguồn nước của sông Tích chảy về Tân Trượng và nhập vào sông Bùi, tổng chiều dài của con sông này là hơn 100km và có địa hình rất dốc. Con sông Tích ngày xưa nhiều nước, rất thơ mộng.
Chính vì thế, phương án cải tạo sông Tích, cải tạo hệ thống tưới nước và môi trường là vấn đề rất quan trọng. Việc đầu tư xây dựng dự án mục đích là để có nguồn nước, lấy nước từ sông Đà, vị trí được chọn gần khu K9, đưa nước theo đường dẫn từ khu vực đó đi vòng quanh và hai bên sẽ đầu tư đường để tăng giá trị đất hai bên.
Ban đầu, dự án được chia ra làm 3 đoạn để đầu tư xây dựng. Đoạn đầu từ đầu mối (khu vực Đầm Long) về đến Sơn Tây, qua Sơn Tây đến Thạch Thất thì giao cho Sở NNPTNT Hà Nội làm chủ đầu tư; còn riêng đoạn đi qua thị xã Sơn Tây giao cho thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư, kinh phí đó lấy từ đổi đất lấy hạ tầng (BT).
Theo thiết kế của dự án, đến năm 2015 là phải hoàn thành và đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Vậy, vì sao đến nay, sau tới hơn 10 năm thi công, dự án vẫn chưa thể hoàn thành?
- Việc chậm tiến độ như thế này đúng là rất bức xúc, lãng phí và xót xa. Tiến chậm độ chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do giải phóng mặt bằng (GPMB), vấn đề này thuộc thẩm quyền huyện là chính.
Thực ra, ban đầu đề án của tôi có bao gồm nhiều giải pháp phi công trình, có thể đỡ nhiều chi phí đầu tư xây dựng vào các công trình. Theo đó, có thể lấy nước từ sông Tích đi qua Sơn Tây, sau đó trích một đường đi theo đường trục Tây Thăng Long, cắt qua sông Đáy và sông Nhuệ, rồi đưa thẳng về đến Hồ Tây, đưa ra sông Tô Lịch theo cơ chế tự chảy được.
Vì thế, tôi rất mong muốn khẩn trương hoàn chỉnh dự án sông Tích để tiếp tục khi nước chảy vào mình sẽ đề xuất.
Còn về năng lực của nhà thầu- đơn vị thi công thì sao. Được biết, trong tổng dự án này có chia thành 2 giai đoạn và 3 đoạn thi công, trong đó nhà thầu chính của đoạn 1 là Công ty CP đầu tư xây dựng và du lịch Bình Minh vốn chưa có nhiều kinh nghiệm thi công các dự án lớn như thế. Trong khi, lúc đó chúng ta có rất nhiều các công ty thủy lợi mạnh, sao Bình Minh lại được chọn?
- Không phải giao hết cho Bình Minh thi công toàn bộ, chỉ giao một số đầu việc, phần đầu mối kênh.
Năng lực của nhà thầu cũng có một phần, trước khi thi công dự án này, thì Bình Minh cũng từng làm một số trạm bơm thủy lợi. Cái chính là nguồn vốn đầu tư, đôi lúc người dân cần tiền thì lại không có tiền, lúc có tiền lại không giải ngân được. Rồi chế độ bồi thường của thành phố Hà Nội thay đổi liên tục, năm 2012, mỗi năm lại thay đổi một lần. Giải phóng mặt bằng năm 2010 giá thế này sang năm sau giá lại cao hơn, người dân bảo cũng mảnh đất như thế, ông trây ỳ lại được nhận giá cao hơn.
Còn vì sao Bình Minh được chọn, vì lúc đó thực hiện cơ chế chỉ định thầu theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên có thẩm quyền.
Một dự án có tổng vốn đầu tư tới gần 7.000 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng tiền đầu tư xây lắp đã lên tới hàng nghìn tỉ đồng, sao lại chỉ định thầu?
- Như tôi nói, thì cái này là do có văn bản đồng ý và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, chứ làm sao Hà Nội dám tự chỉ định thầu dự án lớn như thế. Lúc đó, Công ty Bình Minh được giao chuẩn bị hết các hạng mục trước để khởi công dự án đúng thời điểm là năm 2010.
Một dự án chậm tiến độ, thi công tới cả hơn 10 năm vẫn chưa hoàn thành, rõ ràng gây lãng phí rất lớn. Song vì sao đến nay, vẫn chưa có báo cáo, đánh giá gì về dự án này. Vậy có cần phải tiến hành thanh tra dự án này không?
- Tôi cũng ủng hộ và cho rằng, cần thanh tra ngay dự án này. Trước tiên, có thể mời Thanh tra Bộ NNPTNT vào cuộc; những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì có thể mời Thanh tra Chính phủ vào cuộc, chứ một dự án bị chậm tiến độ, thi công hơn 10 năm chưa hoàn thành, chắc chắn là có vấn đề. Còn đó là vấn đề gì, như thế nào, vướng mắc ở đâu thì phải có thanh tra vào mới làm rõ được.
Mặt khác, thanh tra vào cũng là để giúp gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.
Dự án chậm tiến độ như thế, nhưng vì sao công tác thanh tra chưa được thực hiện?
- Cũng đã có thanh tra về dự án do thành phố chỉ đạo. Sở Kế hoạch- Đầu tư đã vào thanh tra vấn đề lý do chỉ định thầu.
Dự án chậm tiến độ ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu ban đầu mình đề ra, nhiều nơi người dân đang phải đối vì chính do dự án đang gây ảnh hưởng đến sản xuất của họ, việc đi lại do xe cộ vận chuyển mà đường không được duy tu bảo dưỡng?
- Cái đấy đã xảy lâu rồi. Khi mà hệ thống tưới đi qua, những công trình đền bù, lúc đó tư vấn chưa hết. Lẽ ra anh làm đồng bộ thì xong hết, nhưng tiến độ chậm thì nó ảnh hưởng đến việc khác, đền bù chậm nên người dân kiến nghị là đúng.
Bây giờ cơ bản đừng để công trình đầu tư lãng phí. Cố gắng phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm dự án. Cách nào thì cách bây giờ, thành phố phải nhảy vào, xem khó khăn ở chỗ nào, thì gỡ ở chỗ đó. Hiện tôi được biết còn 900m ở đoạn đầu mối chưa giải phóng mặt bằng được.
Xong hơn 900m kia thì đã hoàn thành được chưa hay còn những đoạn khác?
- Nếu mà 900m hoàn thành thì nó cũng bước đầu lấy nước sông Đà vào sông Tích, theo tôi chỉ cần thế. Còn nạo vét được thì nó khang trang.
Việc chậm tiến độ như trên, nhà thầu, đơn vị thi công là Công ty Bình Minh có trách nhiệm gì không. Chắc chắn việc công trình chậm nhiều năm như thế, thì phải có lỗi, có trách nhiệm ở bộ phần nào đó, con người nào đó, rồi trách nhiệm giám sát, đôn đốc công trình thế nào?
- Đó là lỗi tổng hợp, trong đó có thể xem xét đến cả trách nhiệm của nhà thầu, mà như tôi nói, cái này cần phải thanh tra vào mới làm rõ được. Cái này do quyền của thành phố, thay đổi nhiều lãnh đạo Ban quản lý dự án, trước đây dự án có một ban quản lý riêng, giờ lại nhập chung vào Ban duy tu của Sở NNPTNT Hà Nội.
Đúng ra cứ để riêng một ban, quản lý trực tiếp, nhưng dồn vào Ban duy tu, bây giờ ít người và gọi là chuyên môn vững để làm trực tiếp việc đó. Thứ hai, kéo dài như thế thì trả lương, chi phí dự án không còn. Nhưng cũng có cái khó, nếu không sáp nhập vào chỗ khác, giờ lấy chi phí, lương ở đâu?
Vậy theo ông, để dự án hoàn thành, cần phải làm gì?
- Giải pháp tháo gỡ bây giờ chỉ là tập trung tất cả nguồn lực vào đó. Bây giờ giải phóng mặt bằng khó khăn thế nào, xử lý thế nào, thậm chí cưỡng chế chứ không thể để mãi thế được. Khi giải phóng mặt bằng, đương nhiên nhà thầu sẽ hoàn thiện.
- Thay đổi nhà thầu, nhưng không có mặt bằng thì cũng làm làm sao được. Để khởi động lại dự án, thứ nhất huyện, sở, thành phố ba thành phần này phải đứng ra, cụ thể Ban quản lý báo cáo khó khăn chỗ nào, thuộc thẩm quyền ai, ông có làm được không, nếu không làm được thì đổi ông khác. Chứ giờ cứ dạ, vâng thì không được.
Thứ hai, phải có tiến độ. Nếu thiếu tiền thì đồng ý cấp tiền.
Nếu cấp tiền mà nhà thầu yếu, không thực hiện được, thì có thể dự án cũng không hoàn thành được?
- Cấp tiền giải phóng mặt bằng giao cho Ban quản lý dự án, chứ không giao cho nhà thầu. Nhà thầu bây giờ không có chuyện cấp tiền vượt tiến độ.
Có thông tin cho rằng, dự án này là do chính Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bình Minh nghĩ ra, sau đó họ đưa dự án tới Sở NNPTNT để đề xuất được làm?
- Câu chuyện đó đúng ra thì như thế này. Lúc đó, Viện KH thủy lợi có đề xuất lấy sông Hồng chảy vào sông Tích, nhưng không được, mà cần lấy nước ở sông Đà. Nhà thầu là Công ty Bình Minh có nắm được thông tin đó trước và đề xuất lấy nước từ sông Đà (tức đoạn đầu mối), đây cũng là đoạn họ trúng thầu, thi công.
Cụ thể, ông Phùng Văn Hệ (người đại diện theo pháp luật của Công ty Bình Minh) là người thực hiện đề xuất đó, theo đó chuyển lấy nước từ Đầm Mắm lên Thuần Mỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.