Đại gia bán lẻ thay đổi, bước vào cuộc đua mới

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 08/12/2021 14:38 PM (GMT+7)
Bên cạnh tăng độ phủ giành khách với chợ truyền thống, các đại gia bán lẻ đang bước vào một cuộc đua mới để có được nhóm khách yêu thích công nghệ, mua sắm không tiếp xúc, không tiền mặt.
Bình luận 0

TP.HCM đã dỡ giãn cách xã hội hơn 2 tháng nay, các chợ, siêu thị, cửa hàng đã hoạt động trở lại nhưng chị Anh Như (quận Phú Nhuận) vẫn duy trì mua thực phẩm qua kênh đặt hàng online của siêu thị.

"Không phải tôi lo lắng dịch bệnh nên không đi siêu thị, mà cảm thấy tiện lợi với dịch vụ đặt thực phẩm và nhận hàng tại nhà. Bình thường, mỗi lần đi mua thực phẩm phải tốn ít nhất 1 tiếng đồng hồ. Công việc cuối ngày tại ngân hàng rất nhiều, mua online giúp tôi có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hơn là đi vòng vòng chỉ để mua rau củ quả, thịt cá", chị Như nói.

Đại gia bán lẻ đua bán hàng trên app, cà thẻ

Ngày càng nhiều người trẻ sống tại các đô thị lớn dần quen với hình thức đi chợ online tương tự chị Như thay vì phải đến trực tiếp chợ, siêu thị. Về chất lượng, họ không quá lo ngại, bởi các nhà bán lẻ đang cạnh tranh nhau. Nếu thực phẩm không tươi ngon, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng chuyển sang cửa hàng, thương hiệu khác.


Đại gia bán lẻ thay đổi, bước vào cuộc đua mới - Ảnh 1.

Trước dịch Covid-19, chỉ một vài doanh nghiệp vận hành ứng dụng bán hàng thì hiện hầu như siêu thị nào cũng có. Ảnh: Hồng Phúc.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng xác nhận kênh mua hàng online dù không thể bằng giai đoạn TP.HCM giãn cách xã hội nhưng đơn hàng trực tuyến vẫn nhận được đều đặn.

Tại Bách Hóa Xanh, doanh thu kênh bán hàng online 10 tháng đầu năm 2021 ghi nhận tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ. Tháng 10, khi TP.HCM đã ngưng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, người dân được tự đi mua thực phẩm nhưng doanh thu online hệ thống này vẫn cao hơn 40% mức bình quân trước dịch.

Covid-19 đã khiến hành vi tiêu dùng thay đổi. Các doanh nghiệp bán lẻ cũng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để dần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nếu như trước dịch Covid-19, chỉ một vài doanh nghiệp vận hành ứng dụng bán hàng thì hiện hầu như siêu thị nào cũng có. Satra có Satra Loyalty Card, Co.opmart có Saigon Co.op, Aeon có Aeon Việt Nam, Central Retail có ứng dụng Big C, Tops Market… 

Không chỉ bán hàng qua ứng dụng, các siêu thị hiện nay còn có trang thương mại điện tử riêng, bán hàng qua Zalo, bán hàng thông qua các ứng dụng giao nhận và khuyến khích khách thanh toán không tiền mặt với các mã ưu đãi hấp dẫn.


Đại gia bán lẻ thay đổi, bước vào cuộc đua mới - Ảnh 3.

Các siêu thị tăng cường kết hợp với các ứng dụng giao hàng để vận chuyển đơn về tận nhà cho khách .Ảnh: C.T.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhận định Covid-19 đã đẩy nhu cầu thanh toán không tiền mặt cao hơn bất cứ lúc nào khác, thậm chí các nhà bán lẻ chuẩn bị không kịp cho xu hướng này. 

Từ mức khiêm tốn 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op thì trong mùa dịch Covid-19, tăng vọt lên 40%, thậm chí nhiều thời điểm lên đến 50%. Ông Đức cho rằng con số này Saigon Co.op kỳ vọng phải mất 3-4 năm mới có thể đạt được. 

Dù qua giãn cách xã hội, tỷ trọng khách thanh toán không tiền mặt giảm xuống còn khoảng 10% nhưng thực tế vẫn gấp đôi mức bình quân trước đây và nhiều kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Xuất hiện mô hình mới

Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ lớn đẩy mạnh số hóa thì nhiều doanh nghiệp mới nhập cuộc vào ngành bán lẻ cũng tranh thủ cơ hội, đi trước xu hướng về chuyển đổi số.

Từ kinh doanh trái cây nhập khẩu là chủ yếu, Covid-19 tại TP.HCM khiến Grove Group lên ý tưởng xe buýt thực phẩm, cửa hàng thực phẩm để hỗ trợ người dân trong mùa dịch. Cuối tháng 11, tập đoàn này mới chính thức rẽ hướng sang kinh doanh thêm thực phẩm với một mô hình hoàn toàn mới, không tiếp xúc, được doanh nghiệp đặt tên là "Chợ đa năng G Market".


Đại gia bán lẻ thay đổi, bước vào cuộc đua mới - Ảnh 4.

Chợ đa năng G Market, đặt hàng và đến lấy, không tiếp xúc của Grove Group. Ảnh: Hồng Phúc.

Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng Giám đốc Grove Group, cho biết nếu như các siêu thị đang bán hàng trực tiếp và trực tuyến thì điểm khác biệt của cửa hàng này là tích hợp công nghệ, "số hóa" chuỗi cung ứng, quy trình vận hành lẫn trải nghiệm của khách hàng.

Giải thích cụ thể hơn, ông Nhân nói doanh nghiệp áp dụng quy trình khép kín "FHD" (Farm hoặc Factory - Hub - Door). Hàng hóa được chọn lọc từ các trang trại, nhà máy (Farm/Factory) đạt chuẩn, đưa vào bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tốt nhất tại hệ thống kho chuyên biệt (Hub). Tại Hub, các sản phẩm được nhân viên kiểm tra, sàng lọc, đóng gói và giao đến khách hàng (Door) trong thời gian nhanh nhất.

Về quy trình mua hàng, khách chỉ cần đặt trên website, mỗi đơn thành công sẽ được cấp một mã số riêng. Người mua có thể chọn hình thức giao hàng tận nơi. Trường hợp muốn nhận trực tiếp tại cửa hàng, thì chỉ cần đến tận nơi, nhập mã số đã được cấp trước đó, hàng hóa sẽ được "chạy ra" rồi thanh toán.

Các điểm bán G Market được xem như một kho tự động thông minh để phân phối hàng cho người mua. Doanh nghiệp đã phát triển tổng cộng 7 cửa hàng như vậy tại TP.HCM, chủ yếu đặt tại các chung cư và khu dân cư để đáp ứng nhu cầu của người dân. 

"Covid-19 đã thúc đẩy hoạt động mua sắm của người dân theo xu hướng có kế hoạch và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý, an toàn. Người tiêu dùng cũng hình thành thói quen ưu tiên mua thực phẩm sạch, phương thức mua sắm an toàn qua kênh trực tuyến, hạn chế tiếp xúc thay vì trực tiếp như trước", đại diện Grove Group nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem