"Đại gia" có hơn 1 triệu m2 đất phục vụ logistics ở Việt Nam tiếp tục mở rộng hạ tầng
"Đại gia" có hơn 1 triệu m2 đất phục vụ logistics ở Việt Nam tiếp tục mở rộng hạ tầng
Tường Thụy
Thứ năm, ngày 05/10/2023 10:20 AM (GMT+7)
Một tập đoàn hàng đầu thế giới về xây dựng, sở hữu, phát triển và vận hành bất động sản logistics, trung tâm dữ liệu và năng lượng tái tạo tiếp tục mở rộng danh mục các dự án logistics tại Việt Nam
Tiếp tục mở rộng hạ tầng logistics dù đã có 1 triệu m2 diện tích
"Ông lớn" đó là Tập đoàn GLP, gia nhập thị trường Việt Nam năm 2020 thông qua liên doanh chiến lược với SLP (SEA Logistic Partners) - công ty chuyên phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp và logistics ở Đông Nam Á. Tháng 1/2022, GLP thành lập quỹ có tên GLP Vietnam Development Partners I với tổng giá trị đầu tư 1,1 tỷ USD cho thị trường Việt Nam.
"Chúng tôi cam kết mở rộng hơn nữa danh mục dự án nhà kho ở các khu vực trọng điểm, có thể liên quan đến việc mua lại hoặc phát triển dự án mới tại các trung tâm logistics quan trọng trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường", ông Edwin Chee - Giám đốc điều hành SLP Việt Nam, cho biết tại Hội nghị Logistics 2023 Việt Nam diễn ra ngày 5/10 ở TP.HCM.
SLP Việt Nam (liên doanh giữa GLP và SLP) đến nay đã mở rộng quy mô với hơn 1 triệu m2 diện tích nhà kho hiện đại tại 9 dự án có vị trí chiến lược ở các KCN xung quanh Hà Nội và TP.HCM, gồm Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An và Vĩnh Long.
Ngoài ra, dựa trên yêu cầu cụ thể của thị trường và khách hàng, SLP Việt Nam có thể sẽ xây dựng hoặc nâng cấp nhiều nhà máy và cơ sở hạ tầng logisitcs khác, theo ông Chee.
Bên cạnh yếu tố nhà máy và kho hiện đại theo xu thế hiện nay, danh mục đầu tư của liên doanh này cũng gồm các chương trình giảm khí thải carbon, kinh tế tuần hoàn và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Đây là xu thế phù hợp với cam kết trung hòa carbon (Net zero) của Chính phủ Việt Nam đến năm 2050.
Hàng loạt "ông lớn" logistics chen chân đến Việt Nam
Theo thông tin tại hội nghị ngày 5/10 do Báo Đầu Tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, các tập đoàn logisitcs tầm cỡ thế giới đang ráo riết đua nhau đặt chân vào Việt Nam.
Tháng 8 năm nay, đại diện của A.P. Moller Maersk của Đan Mạch, tập đoàn logisitcs lớn nhất thế giới, đến Bình Dương làm việc với UBND tỉnh này để bàn kế hoạch xây trung tâm logistics quy mô lớn tại Bình Dương.
"Ông lớn" Warburg Pincus của Mỹ cũng đã gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương để xúc tiến kế hoạch đầu tư một dự án trung tâm thương mại điện tử xuyên biên giới. Warburg Pincus và đối tác liên doanh Becamex IDC của tỉnh dự kiến xây trung tâm này với quy mô 75 ha tại Thành phố mới Bình Dương.
Tại hội nghị, các diễn giả và khách mời cũng chia sẻ nhận định về sự phát triển nhanh chưa từng có của thương mại điện tử toàn cầu mà Việt Nam đang thấy rõ từng ngày và tác động của nó đối với ngành logistics; cùng những thách thức và cơ hội, cách thức thực hiện đơn hàng để có thể giao hàng nhanh hơn và chính xác hơn.
Đóng góp ý kiến, ông Edwin Chee cho biết Việt Nam cần tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng của ngành logistics, bao gồm mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển.
"Việc đầu tư vào hệ thống kho thông minh, trung tâm phân phối và cơ sở vật chất đa phương thức hiện đại sẽ hợp lý hóa hoạt động và cho phép vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn", ông Chee nói.
Đề cập đến cải cách pháp lý, các diễn giả cho rằng Việt Nam nên ưu tiên việc đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt rào cản và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các công ty logistics. Các quy định rõ ràng, minh bạch sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn để thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới vì Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu.
Về các vùng trong nước, ông Charles Chong, Giám đốc Sembcorp Việt Nam (công ty con của Tập đoàn công nghiệp đa ngành Sembcorp của Singapore) cho biết, Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây và tiếp tục là địa bàn sản xuất quan trọng ở châu Á. Với đà tăng trưởng tốt trong sản xuất và kết quả thu hút đầu tư nước ngoài khả quan, miền Trung hứa hẹn sẽ trở thành khu vực phát triển của cả nước, tiếp theo miền Bắc và Nam. Vì thế đà phát triển logistics ở miền Trung tới đây sẽ tăng mạnh.
Nhận định gần đây về việc các công ty nước ngoài đầu tư vào logistics tại Việt Nam, ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng Tập đoàn đầu tư VinaCapital đánh giá, Việt Nam là một trong những nước có dịch vụ logistics phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng còn rời rạc và phân tán.
"Nhưng chính điều đó là cơ hội hấp dẫn cho các quỹ đầu tư rót tiền vào thị trường này, qua đó giúp doanh nghiệp trong nước tăng doanh thu và lợi nhuận bằng cách áp dụng các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất", ông Kokalari nhận định.
Ông Kokalari chỉ ra sự manh mún của các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Ví dụ, các công ty vận tải chiếm khoảng 2/3 tổng số doanh nghiệp trong ngành nhưng hơn 80% công ty vận tải đường bộ ở Việt Nam có quy mô đội xe dưới 5 chiếc; và khoảng 70% số xe tải giao hàng quay về trạm với container rỗng, làm tăng chi phí logistics.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.