Đại gia tháo chạy, ồ ạt trả mặt bằng từ Nhà thờ Đức Bà ra Hồ Con Rùa, chuyện gì đang xảy ra?

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 27/05/2023 09:43 AM (GMT+7)
Chỉ trong vòng khoảng một tuần, nhiều ông lớn phải tuyên bố đóng cửa, trả mặt bằng ở khu vực Nhà thờ Đức Bà đến Hồ Con Rùa. Một cuộc tháo chạy quy mô lớn đang diễn ra. Chuyện gì đang xảy ra vậy?
Bình luận 0

Khu vực trung tâm TP.HCM đang chứng kiến một cuộc tháo chạy quy mô lớn khi hàng loạt thương hiệu đóng cửa, trả mặt bằng.

Nhiều đại gia tháo chạy, trả mặt bằng chỉ trong vòng 1 tuần lễ

Khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố đã đông vui trở lại, nhất là những ngày cuối tuần. Người dân, khách du lịch xúng xính chụp ảnh. 

Họ cho chim bồ câu ăn, cà phê sáng, ngắm nhìn phố phường. Tuy nhiên, trái ngược với sự nhộn nhịp này là hàng loạt cửa hàng cà phê, mặt bằng đắc địa ngay khu vực lõi Công xã Paris, với góc nhìn trực tiếp ra Nhà thờ Đức Bà đã trả mặt bằng, đóng cửa im ỉm.

Đại gia tháo chạy, ồ ạt trả mặt bằng từ Nhà thờ Đức Bà ra Hồ Con Rùa, chuyện gì đang xảy ra vậy? - Ảnh 1.

Quán cà phê Mellower Coffee ngưng hoạt động. Ảnh: Hồng Phúc

Anh Minh Thành (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết dù khu vực “cà phê bệt” nổi tiếng ở TP.HCM đã đông trở lại nhưng anh vẫn không thể vui. Quán cà phê quen thuộc Mellower Coffee của anh hay ngồi cuối tuần thư giãn, trò chuyện với bạn bè nay đã đóng cửa. Mellower Coffee trả mặt bằng hồi cuối tháng 4.

“Khu vực này bây giờ không còn một quán cà phê nào có view nhìn thẳng ra Nhà thờ Đức Bà nữa. Ba quán cà phê view đẹp nhất đều lần lượt đóng cửa. Quán yêu thích nhất của tôi cũng ra đi”, anh Thành tiếc nuối.

Ba quán cà phê mà anh Thành nhắc đến chính là Saigon La Poste Cafe, PhinDeli và Mellower Coffee. Saigon La Poste Cafe nằm ngay cạnh Bưu điện Thành phố với màu vàng đặc trưng, kiến trúc độc đáo nhất là quán đóng cửa sớm. Tiếp theo là PhinDeli và mới nhất là Mellower Coffee. Hai quán này nằm cạnh nhau với không gian mở được nhiều người Việt yêu thích.

Không chỉ cà phê, McDonald’s ngay Đường sách Nguyễn Văn Bình, một nhà hàng lớn ở góc đường Nguyễn Du cũng đã ngưng hoạt động. Sự ra đình đám nhất mới đây chính là eDiGi - cửa hàng chuyên phân phối sản phẩm Apple của “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn.

Đại gia tháo chạy, ồ ạt trả mặt bằng từ Nhà thờ Đức Bà ra Hồ Con Rùa, chuyện gì đang xảy ra vậy? - Ảnh 2.

PhinDeli Hồ Con Rùa - điểm đến quen thuộc của nhiều người đã đóng cửa. Ảnh: Hồng Phúc

Làn sóng trả mặt bằng lan nhanh ra khu vực lân cận, chỉ tính từ Công xã Paris, nối dài ra khu vực Hồ Con Rùa, hàng loạt cửa hàng đang tiếp tục đóng cửa. Chỉ sau khoảng 1 tuần eDiGi của “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn tuyên bố ngưng hoạt động thì PhinDeli Hồ Con Rùa, Saigon Casa Phạm Ngọc Thạch - hai quán cà phê đình đám khu vực này cũng trả mặt bằng.

Đó là chưa kể nhiều mặt bằng trên đường Phạm Ngọc Thạch ngay trung tâm thành phố, nhất đoạn giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai bỏ trống mấy năm qua, nhiều lần đổi chủ nhưng trụ không được lâu. Ngay vòng xoay Hồ Con Rùa, Passio Coffee và Chuk Chuk cũng đã tháo chạy.

Vì sao trả mặt bằng hàng loạt?

Còn nhớ, năm 2018, gia đình ông Hạnh Nguyễn tưng bừng khai trương eDiGi - cửa hàng bán lẻ ủy quyền cao cấp của Apple (APR) tại thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, eDiGi là cửa hàng ủy quyền của Apple đầu tiên đạt 2 tiêu chuẩn APR (Apple Premium Reseller) và ASP (Apple Service Provider) tại Việt Nam thời điểm đó. Nó được kỳ vọng sẽ trở một mảnh ghép bán lẻ sản phẩm công nghệ trong hệ sinh thái “hàng hiệu” của gia đình ông. 

Dù vậy, sau 5 năm, cửa hàng eDiGi duy nhất trên thị trường này phải tuyên bố đóng cửa. Ông Hạnh lý giải phải trả mặt bằng cửa hàng đình đám này vì điều kiện thị trường không thuận lợi.

Đại gia tháo chạy, ồ ạt trả mặt bằng từ Nhà thờ Đức Bà ra Hồ Con Rùa, chuyện gì đang xảy ra vậy? - Ảnh 3.

Khung cảnh đìu hiu tại tòa nhà Metropolitan sau khi PhinDeli và Mellower Coffee đã đóng cửa, trả mặt bằng. Ảnh: Hồng Phúc

Kinh doanh khó khăn, sức mua thấp song giá mặt bằng vẫn ở mức ngất ngưởng khiến các thương hiệu phải tháo chạy. Các nhân viên môi giới bất động sản nhận định, giá mặt bằng khu vực Nhà thờ Đức Bà ra Hồ Con Rùa vẫn đang đứng ở top giá thuê rất cao tại TP.HCM vì vị trí đắc địa. 

Khảo sát cho thấy một mặt bằng 100m2 trên đường Phạm Ngọc Thạch là hơn 100 triệu đồng. Hai khu vực lõi, vị trí “vàng” với kinh doanh là Công xã Paris và “vòng xoay cà phê” Hồ Con Rùa có giá thuê càng đắt đỏ hơn.

Theo Cushman & Wakefield, giá thuê mặt bằng bán lẻ khu vực này luôn thuộc top đắt đỏ nhất nhì khu trung tâm TP.HCM. Các căn nhà phố lẻ mặt tiền có diện tích từ 400m2 trở lên, đoạn đầu đường Nguyễn Du, Đồng Khởi, có giá thuê lên đến hàng chục nghìn USD mỗi tháng.

Đáng chú ý, giá thuê mặt bằng ở khu vực trung tâm TP.HCM hiện nay đã không còn giảm giá như hồi sau dịch. Ông Hoàng Huy - một nhân viên môi giới bất động sản nói chắc nịch: “Bây giờ hết dịch rồi, khu vực trung tâm thành phố đã sầm uất, khách quốc tế nên không còn ưu đãi nữa. Giá thuê bây giờ là đúng giá”.

Doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ thì cho biết tình hình kinh doanh vẫn còn rất khó khăn nhưng giá mặt bằng không hạ, thậm chí còn nhích tăng. 

Giám đốc một công ty bán lẻ than trời vì giá thuê mặt bằng ở TP.HCM hiện nay quá cao. Ông nói mặt bằng trống tại TP.HCM chưa bao giờ nhiều như hiện nay nhưng đụng vào là “phỏng tay” vì giá thuê không giảm. Điều này khiến mọi người không dám “rớ” vào và người đang thuê không trụ nổi, buộc phải tháo chạy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem