Đại hạn mức kỷ lục gây hại 1 triệu ha lúa

Hà Khương Thứ tư, ngày 17/02/2016 14:42 PM (GMT+7)
Năm nay, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hạn ở mức kỷ lục 99 năm mới xảy ra một lần. Điều này gây ra những tác động rất lớn đối với sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.
Bình luận 0

Mực nước các dòng sông xuống thấp, khiến tình trạng xâm nhập mặn ngày càng thêm trầm trọng, có nơi mặn xâm nhập vào sâu trong cửa biển tới 69km và độ mặn đã đạt tới 8,3g muối/lít (tức là 8,3‰ mà theo tiêu chuẩn để tưới được là 1‰).

Nhiều thiên tai cực đoan

Trong những tháng đầu năm 2016, nước ta liên tiếp hứng chịu các thiên tai cực đoan: Trận rét kỷ lục trong vòng 60 năm ở phía Bắc đã làm chết khoảng 22.000 con gia súc, 15.000ha rừng bị thiệt hại; 1.500 tấn cá đặc sản…; miền Trung thì đối phó với tình hình hạn hán trong khi các tỉnh vùng ĐBSCL đang phải gồng mình chống hạn, xâm nhập mặn.

Ông Trần Quang Hoài- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: “Hiện nay do ảnh hưởng của hiện tượng El Nilo dự báo kéo dài đến hết tháng 4 cộng với nước biển dâng cao và việc sử dụng nước ở phía thượng lưu nên chúng ta bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn rất là lớn - vừa vào sâu hơn và nồng độ lớn hơn.

Một số vị trí dọc theo khu vực ven biển ĐBSCL, từ sông Vàm Cỏ cho đến sông Tiền, sông Hậu, rồi khu vực biển Tây xâm nhập mặn đều vào sâu hơn từ 30-50km và độ mặn thì cao hơn từ 4-7g/lít. Như vị trí Bến Lức, sâu vào trong cửa biển 69km mà độ mặn đã đạt tới 8,3g/lít, tức là 8,3‰ mà theo tiêu chuẩn để tưới được là 1‰”.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát (bên trái hàng đầu) kiểm tra diện tích lúa bị xâm nhập mặn tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: HUỲNH XÂY

Cũng theo ông Hoài, độ xâm nhập mặn vùng sông Vàm Cỏ cao hơn tháng 1 năm ngoái 5-7%; các cửa sông ở ĐBSCL từ 3-5%; ven biển Tây thấp hơn từ 2-5%. Vào sâu nhất ở sông Vàm Cỏ là 94km; sông Tiền, sông Hậu là 53km. Nhưng dự báo cuối tháng 2 và tháng 3, tình hình xâm nhập mặn sẽ giảm dần và độ mặn sẽ rút ra, sông Vàm Cỏ rút ra được khoảng 40km và sông Tiền, sông Hậu khoảng 25km. Nguyên nhân do lượng nước ở phía thượng lưu về đang nhiều hơn. Nhưng đây chỉ là hiện tượng tạm thời, trong khi những tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đang rất đáng lo ngại.

Theo tổng hợp, chịu ảnh hưởng xâm mặn nặng nhất là tỉnh Kiên Giang, trong vụ vừa rồi bị mất 30.000 ha; còn những tỉnh bị ảnh hưởng khác như Tiền Giang, Cà Mau đều từ 20.000-29.000ha… “Hiện nay, rất nhiều hệ thống kênh đã hết nước.

Ngày 15.2, ở  Cà Mau có những cống chênh lệch rất lớn giữa ngoài biển với trong đồng, trong đồng chỉ còn 1-2m nước ngoài biển thì 4-5m, nên có khả năng một số cống yếu có thể sẽ bị nguy hiểm. Những cống này gặp sự cố thì nước mặn sẽ tràn vào” – ông Hoài lo lắng.

Đối với lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Huy Điền- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Theo chỉ đạo và lịch năm nay thả tôm sớm hơn, nhưng một số vùng ở Bạc Liêu bị xâm nhập mặn từ 30-35‰ nên vẫn chưa thả được. Hiện tại, toàn bộ các mương cấp, mương thoát bị bồi lắng nên rất khó khăn, không tiếp nhận nước từ vùng trên xuống được nên càng thêm mặn, nắng nhiều nên độ mặn càng cao hơn”.

img

Chỉ đạo phải nhanh và sát

Để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo quyết liệt với những biện pháp cụ thể. Đặc biệt, việc theo dõi và thông tin kịp thời về độ mặn của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam là cơ sở chỉ đạo, vận hành các công trình thủy lợi. Các địa phương cũng rất chủ động trong việc tích nước, nạo vét, rồi đóng các cửa cống có thể xâm nhập mặn.

Thế nhưng, tình hình xâm nhập mặn vẫn diễn ra rất khốc liệt. Nhiều nơi ở An Giang, Hậu Giang chưa từng bị xâm nhập mặn, nay đã gặp phải tình trạng này, khiến sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, vào ngày 14.2, xâm nhập mặn đã vào sát An Giang, Kiên Giang. “Tôi đang lo vụ hè thu tới sẽ có trên 100.000ha của Tứ giác Long Xuyên của Kiên Giang sẽ bị ảnh hưởng nặng” - ông Nam nói.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến vụ đông xuân mà trong vụ hè thu tới. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Bình thường ở Nam Bộ nếu thời tiết thuận lợi, gặt xong lúa đông xuân thì xuống giống hè thu, nhưng trong điều kiện hiện tại, nếu xuống giống hè thu thì chắc chắn thất bại. Các vùng ven biển trong vòng 50-60km xuống giống như thế là thất bại. Bây giờ phải tính toán kỹ cho từng khu vực”. Bộ trưởng đơn cử, như ở Kiên Giang trong vòng hơn 1 tháng vừa qua đã đắp 88 đập để ngăn mặn; tỉnh Hậu Giang cũng đắp 398 đập tạm để ngăn mặn… Những giải pháp này là cần thiết, nhưng dường như chưa đủ, nhất là đối với vụ hè thu tới”.

Trước tình hình đó, ông Phát chỉ đạo công tác dự báo hạn hán, xâm nhập mặn cần phải làm sát, cụ thể đến từng huyện, xã và thông tin sâu rộng cho nhân dân để bà con chủ động tìm biện pháp ứng phó. Đồng thời, phải đề xuất và hướng dẫn các địa phương các giải pháp cần thiết, đặc biệt là về thủy lợi. Việc ngăn mặn, tích ngọt cần triển khai cụ thể với từng khu vực. Cục Trồng trọt phải vào cùng địa phương bàn tính rất kỹ về mùa vụ và phải sớm đưa ra gói kỹ thuật trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem