Đại hội cổ đông 2019 của “ông lớn” Vinaconex sẽ ồn ào vì thiếu minh bạch?

PV Thứ năm, ngày 27/06/2019 14:42 PM (GMT+7)
Ngày mai 28/6, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Với không ít “dị nghị” và những hoài nghi về dòng tiền của cổ đông lớn trong thời gian qua, liệu Đại hội đồng cổ đông của Vinaconex có diễn ra suôn sẻ như ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex mới tuyên bố với báo giới?
Bình luận 0

Việc Vinaconex, một doanh nghiệp trong nhóm “tứ đại gia” xây dựng ở Việt Nam, có giá trị vốn hóa trên 10 nghìn tỷ đồng, bỗng nhiên trở thành “công ty con” của một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu gần 1 nghìn tỷ đồng là câu hỏi đến nay chưa có lời giải hợp lý.

Điều này được dự tính sẽ đẩy ĐHĐCĐ của ông lớn này lên kịch tính khi câu hỏi liên quan đến những mâu thuẫn trong nội bộ Vinaconex vẫn còn đang bỏ ngỏ?

Dấu hỏi về “ông chủ” thực sự của Vinaconex?

Trước khi mua lô cổ phần phổ thông 57,7% của SCIC tại Vinaconex, ít ai biết đến cái tên An Quý Hưng, một doanh nghiệp xây lắp và kinh doanh bất động sản có quy mô vốn vài trăm tỷ.

Thế nhưng, ngay từ khi danh sách ứng viên đăng ký mua gần 255 triệu cổ phần VCG (tương đương 57,71% vốn điều lệ Vinaconex) lộ diện, cái tên đại gia Nguyễn Xuân Đông và An Quý Hưng thường xuyên được nhắc đến trong nhiều sự kiện liên quan đến ngành xây dựng và tài chính với câu hỏi: “Đại gia” mới nổi này là ai mà có thể “thâu tóm” được hơn một nửa cổ phần doanh nghiệp lớn như Vinaconex?

Điều bất ngờ hơn cả, công ty này có vốn điều lệ chỉ 360 tỷ đồng này (theo bản giới thiệu trước thềm đấu giá) lại là đơn vị trúng lô cổ phần trên với tổng số tiền bỏ ra tới 7.400 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Dẫu vẫn biết rằng, câu chuyện “Cá bé nuốt cá lớn” mặc dù không phải chuyện quá xa lạ trên thương trường Việt nhưng mức độ chênh lệch giữa “cá bé” và “cá lớn” trong thương vụ thâu tóm Vinaconex thực sự là hiếm có.

Chính vì vậy, thời gian vừa qua “cá bé” An Quý Hưng đã bộc lộ thực trạng là khoản nợ khổng lồ phát sinh từ thương vụ thâu tóm vượt quá sức mình và việc doanh nghiệp này huy động vốn qua phát hành trái phiếu thất bại đã phần nào phản ánh niềm tin của giới đầu tư đối với “công ty mẹ” của Vinaconex. Chính vì điều này, nhiều người cũng không khỏi thắc mắc “đại gia” An Quý Hưng sẽ quản lý Vinaconex như thế nào?

img

Ông chủ của An Quý Hưng "nổi lên" bằng thương vụ thâu tóm nghìn tỷ tại Vinaconex 

Khi nhìn vào bản cân đối kế toán năm 2018 của An Quý Hưng thì thấy, hầu hết số tiền mua cổ phần của Vinaconex không phải là tiền của doanh nghiệp này.

Cũng tại báo cáo tài chính năm 2018 của An Quý Hưng, công ty này không trực tiếp vay ngân hàng để thực hiện thương vụ 7.400 tỷ đồng thâu tóm Vinaconex, họ được “thu xếp” bởi bên thứ ba.

Cụ thể, tổng tài sản của doanh nghiệp này đầu năm 2018 có chưa đến 1.000 tỷ đồng nhưng tổng tài sản cuối năm đã tăng lên gần 12 nghìn 700 tỷ đồng. Số nợ cũng tăng phi mã với tài sản có, trong đó nợ đầu năm là hơn 534 tỷ đồng nhưng nợ cuối năm là hơn 12 nghìn tỷ đồng.  

Giá trị làm tăng khối tài sản của An Quý Hưng đã được nêu rõ trong bản cân đối kế toán. Theo đó, tài sản cố định có giá trị hơn 39 tỷ, bất động sản đầu tư hơn 42 tỷ, tài sản dang dở dài hạn gần 80 tỷ đồng. Tài sản lớn nhất là nguồn đầu tư tài chính dài hạn, khoảng 7.600 tỷ đồng.

Tổng các khoản nợ phải trả dài hạn của An Quý Hưng là hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 200 tỷ, còn 7.800 tỷ đồng là khoản nợ phải trả khác. Đây chính là khoản nợ phát sinh khi An Quý Hưng mua cổ phần của Vinaconex.

Câu hỏi đặt ra “bên thứ ba” nào đã đồng ý cho An Quý Hưng vay một khoản tiền lớn như vậy trong khi tổng tài sản của An Quý Hưng chỉ chưa đến 1.000 tỷ và tài sản có thể thế chấp để đảm bảo cho khoản vay lớn được còn ít hơn rất nhiều lần?

Danh tính không rõ ràng của những nhà đầu tư thực sự đứng sau An Quý Hưng là điều khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại bởi nếu như An Quý Hưng nhận lượng vốn lớn từ các tổ chức, cá nhân mà không thông qua hình thức góp vốn trực tiếp (vay nợ chẳng hạn) và nhóm này có thỏa thuận để cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở Vinaconex hoặc để chi phối việc ra quyết định tại Vinaconex không chỉ là An Quý Hưng mà còn nhiều “đại gia” khác.

Rõ ràng, trong trường hợp này, tất cả cổ đông cần được biết ai/những ai mới là “ông chủ” thực sự của Vinaconex, thay vì chỉ có một vài người đứng ra đại diện. Bởi những người không lộ diện ấy cũng có khả năng can thiệp vào các quyết định của công ty.

Cũng không thể loại trừ khả năng, “người đi thâu tóm” buộc phải “xẻ thịt” doanh nghiệp để có tiền trả nợ.

Minh bạch trong công tác quản trị

Việc công khai “ông chủ” thực sự của Vinaconex nhằm làm rõ ai/những ai có khả năng can thiệp vào quyết định của công ty mới chỉ là một phần trong câu chuyện lớn hơn là câu chuyện quản trị doanh nghiệp. Trong đó, minh bạch thông tin và quản trị công ty là yếu tố có định quyết định tới niềm tin của nhà đầu tư.

Giới chuyên môn vẫn cho rằng, hoạt động quản trị công ty tốt cần phải tạo được sự hài hoà về mặt lợi ích, ở đó, có một cơ chế để nhà đầu tư, cổ đông có thể kiểm soát việc điều hành công ty nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

img

Quay trở lại với câu chuyện tại Vinaconex, ngay sau khi nhóm cổ đông An Quý Hưng sở hữu 57,7% vốn Tổng Công ty Vinaconex đã có động thái thay đổi hàng loạt những người của An Quý Hưng vào các vị trí lãnh đạo hàng chục công ty thành viên như Công ty Cổ phần Xây dựng số 12, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex, Công ty Cổ phần Vimeco, Công ty Cổ phần Xây dựng số 1, Công ty Cổ phần Vận tải Vinaconex.

Chưa kể, việc áp dụng quy chế tài chính và quy chế về tổ chức, hoạt động của HĐQT cho phép Chủ tịch, Tổng giám đốc duyệt chi cả nghìn tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT cũng như việc chia nhau nắm quyền kiểm soát nhiều vị trí khác tại công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên của nhóm cổ đông An Quý Hưng khiến cho những cổ đông khác không khỏi bất an.

Chính động thái này đã tạo nên bức xúc trong cổ đông về thực trạng “lợi ích nhóm” An Quý Hưng đang tồn tại  tại Vinaconex.

Cuộc "nội chiến" ở Vinaconex vừa qua cũng xuất phát từ nguyên nhân này khi nhóm cổ đông Bất động sản Cường Vũ, Star Invest có đơn tố cáo và yêu cầu Toà án nhân dân quận Đống Đa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bảo vệ quyền lợi cổ đông vì ban lãnh đạo Vinaconex có nhiều khoản chi tài chính bất thường. Tuy nhiên, sau đó Toà đã bác yêu cầu của nhóm Cường Vũ vì nhóm cổ đông này chưa đạt điều kiện là cổ đông của Vinaconex trên 6 tháng.

Rõ ràng, ngoài câu hỏi lớn về dòng tiền của An Quý Hưng thì có lẽ diễn biến được mong chờ nhất tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Vinaconex ngày 28/6 tới là khúc mắc giữa hai nhóm cổ đông lớn nhất, An Quý Hưng và Cường Vũ, Star Invest được dàn xếp ổn thỏa.

Nếu vấn đề minh bạch thông tin và quản trị công ty chưa được giải quyết thì Đại hội đồng cổ đông của Vinaconex được thông báo triệu tập vào 28/6, liệu có diễn ra suôn sẻ như ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex mới tuyên bố với báo giới?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem