Đại hội Hội điện ảnh Việt Nam: Mải lo chuyện vặt sẽ quên sáng tác

Thanh Hà Thứ tư, ngày 15/07/2015 08:04 AM (GMT+7)
Rất nhiều mong mỏi của các hội viên trong việc tìm giải pháp, tháo gỡ cho phim Việt đã được nêu tại Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam. Đáng chú ý, đạo diễn Đào Bá Sơn nêu ý kiến: “Điện ảnh Việt nếu cứ buông thả, sa vào sự vụ mà quên sáng tác sẽ khó phát triển”.
Bình luận 0

Chưa có nhân tố trẻ

Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) vừa kết thúc sau 2 ngày diễn ra tại Hà Nội (13-14.7), với hơn 500 đại biểu. Cũng giống như bao đại hội của các ngành nghệ thuật khác, Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm, mong mỏi của các hội viên. Trong đó, kỳ vọng nhất là sự đổi mới, trẻ hóa đội ngũ ban chấp hành (BCH) hội. Tuy nhiên, những hội viên trẻ dường như chưa nhận được sự tin tưởng từ các hội viên đi trước, vì vậy sau khi bầu ra 12 thành viên, 10 người vẫn là những gương mặt cũ, 2 thành viên mới là nghệ sĩ Trương Thị Tuyết và Hoàng Chương.

img
Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ.  Ảnh: ĐPCC

Chia sẻ tại đại hội, NSƯT Quyền Linh - cũng là thành viên trong BCH khóa mới cho biết: “Ngày hôm qua tôi rất vui, bởi tôi thấy được trách nhiệm của từng nghệ sĩ, quan tâm bầu các hội viên vào BCH có mới, có cũ. Tuy nhiên điều tôi thấy tiếc là 2 hội viên trẻ là các diễn viên Mai Thu Huyền, Mỹ Uyên chưa nhận được nhiều phiếu bầu. Thật sự bản thân tôi cũng muốn có thêm 2 thành viên trẻ này vào BCH để có không khí mới”.

 

Diễn viên Mai Thu Huyền cho biết cô khá bất ngờ khi mình được vào danh sách đề cử, và mặc dù bị trượt khỏi BCH, nhưng Mai Thu Huyền rất vui vì bước đầu đã có được sự tin tưởng từ các hội viên, đặc biệt các hội viên lão thành.

Một vấn đề mà NSƯT Quyền Linh nêu ra là cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ các ban ngành và các nghệ sĩ làm điện ảnh. Ngoài ra cần có thêm giải pháp để các hãng phim nhà nước và các hãng phim tư nhân cùng ngồi bàn bạc, hợp tác về cách thức đóng góp nhằm tạo ra bộ phim vừa mang tính nghệ thuật nhưng lại có tính giải trí... Cùng quan điểm, đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, điều quan trọng nhất của điện ảnh bây giờ là vấn đề sáng tác, cần đổi mới như thế nào để có thể mang đến được những khuynh hướng sáng tác mới: “Nếu cứ buông thả, sa vào những vụ việc, sự vụ mà quên đi sâu vào sáng tác, những khuynh hướng mới thì điện ảnh sẽ phát triển thế nào được”.

Nên tài trợ cho phim tư nhân

Quan điểm

Diễn viên Mai Thu Huyền
  Ở nước ngoài, có nhiều 
hãng phim, ngân sách tiền PR cho bộ phim bằng ngân sách tiền sản xuất bộ phim. Với các hãng phim tư nhân, họ chọn giải pháp bộ phim cần phải được quảng bá, PR tới khán giả. Ở ta chưa nhiều hãng phim quen với việc này. 
Cũng băn khoăn với khó khăn về đầu ra của phim, đạo diễn Đào Bá Sơn cho hay: “Ngày trước điện ảnh Việt Nam là một nền điện ảnh bao cấp, phim nhựa lúc đó là tác phẩm nghệ thuật. Bây giờ, xóa bỏ bao cấp, chuyển sang thị trường với cái tên… đáng yêu là “xã hội hóa”, nhưng đằng sau sự đáng yêu này là cả một sự nghiệt ngã, phim không bán được thì có khả năng nhà sản xuất sẽ phải bán nhà. Trong cơ chế thị trường, một bộ phim không gọi tác phẩm mà gọi là “sản phẩm”. Một khi đã trở thành sản phẩm thì đầu vào và đầu ra rất quan trọng, đặc biệt sự sinh tử của sản phẩm nằm ở việc quyết định đầu ra”.

 

“Tôi nghĩ các hãng phim tư nhân họ rất giỏi, trong việc PR, marketing, quảng cáo… còn hãng phim nhà nước thì luôn bị phê bình về quảng cáo, truyền thông kém. Theo tôi, khi nhà nước đặt hàng, cấp một khoản tiền để có một tác phẩm có nghĩa đã giao luôn hãng phim ấy nhiệm vụ phát hành luôn. Vậy thì bản thân các giám đốc phải tự tính toán, cân, đo, đong đếm để cắt kinh phí chi cho PR, quảng cáo sản phẩm chứ không thể ngồi kêu là chúng tôi không có tiền cho quảng cáo” - đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ.

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, để nâng cao chất lượng nghệ thuật cho phim của các hãng phim tư nhân thì giải pháp là nhà nước nên tài trợ một phần kinh phí, còn lại 50%, 70% số vốn là do hãng phim tư nhân bỏ ra, thì lúc đó bộ phim sẽ được nâng cấp toàn diện. Sau khi phim ra rạp thì hãng phim tư nhân có quyền thu hồi vốn mình bỏ ra, còn với nhà nước thì coi đó là một dự án tài trợ. Như vậy sự hợp tác này sẽ đảm bảo được nội dung định hướng và chất lượng nghệ thuật.

“Như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, nhà nước bỏ ra kinh phí trên tổng dự toán là 70%. Đó là một sự giúp đỡ đúng lúc, cần thiết. Ngoài ra ngoài việc tài trợ ban đầu cho phim để các nhà sản xuất có điểm tựa để làm phim cho tốt hơn thì nên có các giải pháp phụ trợ. Ví dụ khi các phim ra rạp, được đánh giá ở chất lượng nghệ thuật cao thì nên có sự tái đầu tư cho các nhà sản xuất.

Nếu phim đầu tiên làm tốt, có thể nâng thêm mức tài trợ cho phim thứ 2 như một phần thưởng. Các nhà sản xuất sẽ được động viên để họ tiếp tục tìm cách làm ra những bộ phim chất lượng nghệ thuật cao nữa” - bà Nhã kiến nghị.

Đại hội toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ 8 (2015 - 2020) đã chính thức bế mạc sáng 14.7.2015. NSND Đặng Xuân Hải tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem