Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019: Lan toả thông điệp hoà bình, yêu thương

Huy Hoàng (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 12/05/2019 15:12 PM (GMT+7)
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oli… đều đồng lòng và mong muốn xây dựng thế giới hòa bình, để góp phần giúp các quốc gia, dân tộc phát triển.
Bình luận 0

Sáng 12.5, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam) với sự tham dự của hơn 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao các nước đến tham dự như: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc...

img

Tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 nhận được hơn 500 bài tham luận của học giả quốc tế và Việt Nam.

Phát biểu tại Đại lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Vesak 2019 nhắc lại cách đây 26 thế kỷ, Đức Phật ra đời mang theo thông điệp đề cao trí tuệ, sự hiểu biết và lòng từ bi, hướng tới xây dựng một xã hội bình đẳng, không có giai cấp, xã hội vì hòa bình, không chiến tranh, hận thù.

"Thông qua cuộc đời của Đức Phật cho chúng ta thấy rằng, hạnh phúc thực sự của mỗi người không phải chỉ tìm trong vật chất, mà thay vào đó, phải đi tìm sự an lạc trong tâm hồn. Xét trên bình diện quốc gia, thay vì đuổi theo tăng trưởng vô độ, không giới hạn, hãy tăng trưởng sự giàu có tâm linh, an lạc, hạnh phúc và tôn trọng, bảo vệ môi trường", Hoà thượng Thích Thiện Nhơn nói.

Bên cạnh đó, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn còn kêu gọi Phật giáo thế giới đoàn kết, dấn thân hành động nhập thế, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại hiện nay.

img

Hòa thượng Phra Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc cho rằng Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển của Phật giáo thế giới. Chủ đề của Vesak năm nay đã thể hiện sự đóng góp của Phật giáo với sự phát triển của thế giới. "Chúng ta cùng nhau hội tụ ở đây để nêu những vấn đề quan ngại và ý kiến theo quan niệm Phật giáo để mang lại hòa bình, phát triển cho thế giới".

Gửi thông điệp tới lễ khai mạc qua qua video, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói rằng: "Tất cả chúng ta, là Phật tử hay không là Phật tử, đều có thể suy nghiệm về cuộc đời của Đức Phật và tiếp nhận nguồn cảm hứng từ những lời dạy của Ngài. Trong thời điểm sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và sự độ lượng ngày một thu hẹp lại, thông điệp của Đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết. Vào Ngày Vesak lần này, chúng ta hãy cùng nhau làm mới cam kết về xây dựng một thế giới hòa bình và chân giá trị cho tất cả".

Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oli thì cho biết: “Điều duy nhất người dân Nepal ao ước là hoà bình cho thế giới và vũ trụ. Nguyện ước đó thiên hợp với chủ đề Vesak 2019. Phật giáo độc đáo ở chỗ là hết sức quan tâm tới nhân sinh, thiên nhiên. Chúng ta đâu cần đợi tới kiếp sau mới tìm được hạnh phúc mà có thể tìm được ngay trong cuộc sống này. Vì thế, chúng ta không nên giữ mãi hận thù mà hãy luôn từ bi, hỉ xả".

img

Theo Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oli, mục tiêu tối thượng của Phật giáo là đạt được xã hội hoà hợp dựa trên công lý, tình bằng hữu và sự cộng sinh hoà bình.

“Trước việc chủ nghĩa thực dụng phần nào đè bẹp giá trị con người và những điều tốt đẹp, các quốc gia ngày càng hướng nội hơn, lẽ ra phải lan toả thông điệp đoàn kết, gắn bó, tập trung kiến tạo hoà bình, phát triển lâu dài thì các quốc gia lại đi vào lợi ích ngắn hạn. 

Thế giới đang giàu có hơn nhưng 1/5 dân số thế giới sống nghèo khó, cùng cực. Các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc đang gặp nhiều thách thức. Môi trường ngày càng ô nhiễm. Nạn khủng bố tiếp tục diễn ra, đe doạ hoa bình và trật tự xã hội. Giữa biến động đó, sự cộng sinh hoà bình, tinh thần hữu nghị trở thành giá trị quan trọng. Khái niệm sự cân bằng trong con đường trung đạo của Phật giáo đang ngày càng khẳng định giá trị. 

Hãy tìm ra con đường trung dung để tránh cho thế giới khỏi sự hỗn loạn. Thông điệp của Đức Phật đã nhấn mạnh sự cân bằng con người và thiên nhiên, vật chất và tinh thần, công việc hằng ngày và tương lai. Phật giáo không ủng hộ tham, sân, si vì điều này là nguyên nhân gây ra khủng hoảng thế giới và hoà bình hoàn toàn có thể đạt được nếu quyết tâm”, Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oli nói

Trong thông điệp gửi đến Vesak 2019, Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam) nhấn mạnh đây là sự kiện thiêng liêng gắn với cuộc đời Đức Phật và sự kiện hy hữu của toàn nhân loại. 

"Vesak 2019 là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế tôn đã để lại cho nhân loại trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững", Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cho biết.

img

Các Đại đức, Hoà thượng trong nước và quốc tế cùng tham dự Đại lễ Vesak 2019. Ảnh: Vnexperess

Phát biểu khép lại lễ khai mạc Vesak 2019, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng khi thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như xung đột, đói nghèo, biến đổi khí hậu thì việc phát huy tư tưởng của Đức Phật sẽ nhân lên các giá trị tốt đẹp: Vì một thế giới hoà bình, hợp tác, tiến bộ.

Ông kỳ vọng, Vesak là cơ hội để mọi người hiểu được giá trị của Phật giáo; hành động hướng tới xã hội công bằng, dân chủ, bền vững. 

Đại lễ Vesak 2019 còn nhiều hoạt động văn hóa như: tắm Phật truyền thống; cầu nguyện quốc thái dân an; hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; triển lãm cổ vật Phật giáo; diễu hành xe hoa; ra mắt mạng xã hội Phật giáo Butta.vn... diễn ra cho tới ngày 14.5.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem