Đắk Lắk: Bỏ trồng cà phê, hồ tiêu, nông dân làm nghề này, bất ngờ kiếm hàng trăm triệu mỗi năm

Duy Hậu Thứ hai, ngày 01/03/2021 13:04 PM (GMT+7)
Hàng chục nông dân tại phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã bỏ trồng cà phê, hồ tiêu chuyển sang làm miến. Nhờ nghề làm miến mà họ đã có thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương.
Bình luận 0

Tỉ mỉ như chăm con mọn

18 năm trước, thấy việc trồng cà phê, hồ tiêu khá bấp bênh, gia đình chị Hoàng Thị Luyến (phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) quyết định bán rẫy vườn chuyển sang làm miến. Thời gian đầu, công việc này đối với gia đình chị Luyến không dễ dàng gì.

Bỏ cà phê, tiêu nông dân làm việc này để kiếm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Bỏ cà phê, tiêu, gia đình chị Luyến có thu nhập ổn định nhờ nghề làm miến.

"Ngày đó, hầu hết các công đoạn làm miến từ ngâm gạo, xay bột đến máy ép đều làm thủ công hoặc sử dụng máy móc thô sơ nên phải cần rất nhiều sức người. Đặc biệt, khi phơi miến nếu không cẩn thận thì sẽ bị bụi bám, hoặc nếu dính nước mưa thì chất lượng không đạt nữa. Thế nên, mỗi lần phơi miến là phải canh chừng như trông con mọn, chăm chút tỉ mỉ từng chút một mới có được mẻ miến ngon"- chị Luyến nói.

Bỏ cà phê, tiêu nông dân làm việc này để kiếm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Nghề làm miến ban đầu đều làm thủ công và khá nặng nhọc nhưng đã tạo được thu nhập ổn định cho người dân.

Thế nhưng, bằng sự quyết tâm vượt khó, chị Luyến đã duy trì nghề này suốt gần 20 năm qua. Giờ đây, mỗi ngày chị Luyến thu lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng từ việc xuất bán hàng trăm ký miến.

Cũng như chị Luyến, gia đình bà Hoàng Dẻo đã bỏ nghề nông bấp bênh để làm miến. "Mỗi công đoạn làm miến đều phải được làm hết sức cẩn thận mới cho ra sản phẩm tốt nhất. 

Gạo làm miến phải được chọn kỹ càng, sau đó đem ngâm từ chiều hôm trước cho no nước rồi mới xay bột. Bột phải được ép cho thật ráo nước rồi mới ép miến. 

Để sợi miến thẳng và không dính vào nhau, sau khi ép xong, cắt đều, sợi miến phải được trần qua nước lạnh rồi mới chuốt. Làm miến như "chăm con mọn" vậy. Nhưng cũng nhờ nghề này mà gia đình tôi có mức thu nhập khá ổn định"- bà Dẻo nói.

Nâng cao chất lượng miến, tạo thương hiệu tiến tới sản phẩm OCOP

Từ một vài hộ làm miến ban đầu, giờ đây ở phường Khánh Xuân đã hình thành làng nghề miến Chi Lăng với 50 hộ chuyên làm miến. Để giữ uy tín với người tiêu dùng, mỗi người ở làng nghề này đều luôn chăm chút để có được sản phẩm tốt nhất.

Bỏ cà phê, tiêu nông dân làm việc này để kiếm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Từ một vài hộ ban đầu, giờ đây ở Khánh Xuân đã hình thành làng miến Chi Lăng với 50 hộ làm nghề này.

"Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, nhiều năm qua gia đình đã bỏ vốn đầu tư nhà lồng để phơi miến. Tuy tốn kém không ít nhưng việc phơi miến trong nhà lồng sẽ tránh được bụi bẩn và cũng đỡ tốn công hơn rất nhiều"- chị Luyến nói.

Bỏ cà phê, tiêu nông dân làm việc này để kiếm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người làm miến ở làng nghề Chi Lăng đã đầu tư nhà lồng để phơi sản phẩm.

Bên cạnh việc đầu tư nhà lồng để phơi miến, người làm miến ở làng miến Chi Lăng cũng liên tục nâng cấp máy móc, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng quy mô, sạch sẽ hơn. Nhờ vậy mà làng miến Chi Lăng ngày càng tạo uy tín đối với người tiêu dùng.

"Trung bình mỗi ngày gia đình phải ngâm 3 tạ gạo, ngày Tết thường phải làm gấp đôi nhưng miến làm tới đâu bán hết tới đó, không bao giờ bị ế. Hiện miến của làng nghề Chi Lăng được xuất bán hầu hết các địa phương trong tỉnh và được người tiêu dùng rất ưa chuộng"- chị Luyến cho biết.

Quả thật như lời chị Luyến, làng miến Chi Lăng giờ đây đã có thương hiệu và ngày càng có nhiều khách hàng. 

Ông Phạm Văn Tiến – Cán bộ Nông nghiệp phường Khánh Xuân cho biết, vừa qua địa phương đã trình hồ sơ cho TP.Buôn Ma Thuột đăng ký sản phẩm OCOP cho miến khô và trực tiếp giới thiệu cho nhiều đơn vị đến để có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

"Sản phẩm miến Chi Lăng đã được đăng ký mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Miến Chi Lăng cũng đã được chứng nhận là sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ việc ý thức giữ gìn uy tín, chất lượng mà làng miến Chi Lăng ngày càng phát triển mạnh...", ông Tiến nói.

Bỏ cà phê, tiêu nông dân làm việc này để kiếm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 5.

Các công đoạn khác cũng được người dân thực hiện rất tỉ mỉ để đảm bảo vệ sinh.

 Nhiều năm qua, nghề làm miến không chỉ giúp cho hàng chục hộ dân làm giàu mà làng miến Chi Lăng còn giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho rất nhiều lao động, góp phần không nhỏ để phát triển kinh tế của địa phương"- ông Tiến nói.

Bỏ cà phê, tiêu nông dân làm việc này để kiếm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 6.

Miến khô ở làng nghề Chi Lăng giờ đây đã được cơ quan chức năng đăng ký là sản phẩm OCOP nhằm tạo điều kiện để người dân quảng bá sản phẩm, nâng cao uy tín, chất lượng.

Nói về việc đăng ký sản phẩm OCOP, người làm miến ở làng nghề Chi Lăng đều rất vui mừng. "Đây chính là nguyện vọng rất lớn của người dân từ bấy lâu nay. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để mang đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Rất mong cơ quan chức năng tạo điều kiện để sản phẩm của người dân được giới thiệu rộng rãi trong cả nước để đầu ra sản phẩm ngày càng ổn định và nghề miến phát triển bền vững"- chị Luyến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem